Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ ba khu vực châu Á về tiêu thụ rượu, bia. Những ngày Tết, lượng rượu bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.
Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể gây mù mắt và tử vong, đặc biệt khi sử dụng rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền Canh Tý 2020 và các ngày lễ hội đầu Xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
- Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống: không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần (một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%))
- Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
- Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
- Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.