Cuối năm 2017, khi xã Tân Thành đạt chuẩn nông thôn mới, được tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình làm nông nghiệp sạch, nhưng không ai trong xã dám đứng ra đảm nhận. Lúc đó, Trần Duy Trung đang là kỹ sư phụ trách kỹ thuật tại một công ty tư nhân ở thành phố Đà Nẵng biết được đã xin nghỉ việc về quê xây dựng mô hình. Anh đã khăn gói vào Sài Gòn, Đà Lạt tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao.
Đến đầu năm 2018, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và động viên của gia đình, Trung cải tạo vùng đất ở cánh đồng Triều Cảnh xây dựng mô hình trồng rau trong nhà lưới bằng phương pháp thủy canh.
Theo anh Trung, muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương bằng nông nghiệp thì không thể theo phương pháp truyền thống, mà phải thay đổi tư duy, biết áp dụng các tiến bộ KHKT công nghệ cao vào sản xuất mới có hiệu quả.
Theo anh Trung, trồng rau và dưa lưới theo phương pháp này hầu như không bị sâu bệnh phá hoại, cây phát triển đồng đều, cho năng suất cao; với diện tích này chỉ cần 5 nhân công lao động.
Trong khu vực nhà lưới được anh Trung gắn thiết bị thông minh có cài đặt các thông số về ánh sáng, nhiệt độ hàng ngày cũng như các yếu tố về môi trường để đưa ra biện pháp chăm sóc phù hợp được cài đặt điều khiển bằng điện thoại di động. Ngoài ra, anh còn tự thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng, vừa giảm tải công sức lao động và tiết kiệm nguồn nước.
Bằng niềm đam mê và nghị lực phấn đấu, bước đầu mô hình trồng rau sạch của thanh niên Trần Duy Trung đã đưa lại nhiều kết quả khả quan ngay trên đất cằn, trở thành mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao ở quê lúa Yên Thành.