Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, tai nạn giao thông vẫn là vấn đề rất lớn đối với đất nước ta. Vì thế, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó hướng tới tăng cường mức phạt tối đa với chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện cũng như tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước mà trực tiếp là các Sở Giao thông Vận tải địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng như các cơ quan của Bộ.
 
 
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đưa ra tại chương trình trực tuyến "Dân hỏi bộ trưởng trả lời" vào tối 7/9.
 
images1043333_bo_truong.jpgBộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN
 
- Vừa qua, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong các ngày nghỉ lễ đã khiến người dân cảm thấy bất an, lo lắng tính mạng khi lưu thông trên đường. Vậy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có những biện pháp gì để chấn chỉnh và bảo đảm an toàn giao thông, thưa Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo có nhiều giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông đặc biệt trong dịp lễ, Tết.
 
Con số thống kê qua dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua cho thấy, số người chết do tai nạn giao thông vẫn tăng 15 người, số người bị thương tăng 14 người so với cùng kỳ năm ngoái dù số vụ có giảm. Tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra là nỗi đau xót không chỉ của thân nhân người bị nạn mà cả bản thân tôi, toàn ngành giao thông cũng như tất cả người dân.
 
Thời gian tới, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương phải tiếp tục thực hiện đồng bộ quyết liệt hơn nữa các giải pháp lâu dài cũng như giải pháp trước mắt như tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường tinh thần trách nhiệm và chống tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ…
 
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó hướng tới tăng cường mức phạt tối đa với chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện cũng như tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước mà trực tiếp là các Sở Giao thông Vận tải địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng như các cơ quan của Bộ đồng thời cũng sẽ sửa đổi, thay thế Nghị định 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, trong đó quy định quy mô tối thiểu của đơn vị vận tải để bảo đảm các điều kiện về an toàn giao thông.
 
- Vụ tai nạn thương tâm ở Bát Xát, Lào Cai ngày 1/9 vừa qua làm 13 người tử vong đã phát hiện ra lỗ hổng quản lý giữa 2 chiều bến bãi do chiếc xe bị nạn không được phép lưu thông trên cung đường này nhưng nó vẫn ngang nhiên xuất phát. Vậy, theo Bộ trưởng, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước sẽ như thế nào?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thực ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không có lỗ hổng về vấn đề này hay nói cách khác những vấn đề này đều đã được quy định cụ thể. Bộ Giao thông Vận tải đã có quy định giao cho các Sở Giao thông Vận tải cấp phù hiệu và quản lý đối với xe tăng cường phục vụ vận chuyển hành khách theo tuyến cố định theo Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT; doanh nghiệp có phương tiện đưa vào tăng cường phục vụ vận chuyển hành khách các dịp lễ, tết phải thực hiện đúng lệnh điều động của Sở.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số doanh nghiệp trong đó có Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát đã không thực hiện đúng quy định, không đưa phương tiện tăng cường vào bến xe đón khách, không thực hiện đúng thời gian và hành trình tuyến, chở quá số người quy định, gây nên tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
 
Để xảy ra tai nạn này, trách nhiệm trực tiếp, trước tiên thuộc về doanh nghiệp vận tải đã cố tình vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ đã không tuân thủ quy định, đi xe không đúng luồng tuyến, chạy quá tốc độ dẫn đến tai nạn. 
 
Như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, việc để xảy ra việc đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các quy định pháp luật dẫn đến hậu quả tai nạn giao thông thảm khốc, chứng tỏ hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn chưa đáp ứng yêu cầu.
 
Trong vụ tai nạn nêu trên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nơi cấp phép kinh doanh, cấp phù hiệu xe cũng như chấp thuận luồng, tuyến chưa có trách nhiệm giám sát thông qua thiết bị hộp đen để đảm bảo xe đi đúng luồng tuyến. Phía Sở Giao thông Vận tải, lực lượng tuần tra kiểm soát tỉnh Lào Cai phải chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát các phương tiện vận tải hoạt động trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. 
 
Nếu chúng ta làm tốt việc này, chắc chắn xe mà chỉ được cấp phép tới Lào Cai sẽ không lên được Sapa. Các quy định được thực hiện đúng thì tai nạn cũng sẽ không xảy ra.
 
Hiện trường vụ tai nạn xe khách ở Lào Cai ngày 1/9 vừa qua khiến 13 người tử vong. Ảnh: TTXVN
 
- Thời gian qua, nhiều thông tin trên báo chí phản ánh tình trạng “xe vua”. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ có biện pháp gì để ngăn chặn dứt điểm hiện tượng này?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng:Chủ đề năm An toàn giao thông 2014 là “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt. 
 
Sắp tới việc kiểm soát tải trọng sẽ được thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn và thực hiện đến khi nào hết vượt tải trọng mới thôi. Chúng tôi cũng sẽ tập trung chống tiêu cực trong công tác này bởi đây là cuộc chiến đấu hết sức cam go giữa các nhóm lợi ích.
 
Để ngăn chặn dứt điểm hiện tượng này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng mức xử phạt tối đa, luỹ tiến với chủ phương tiện khi cố tình chở quá tải trọng; xử lý từ gốc những vi phạm về xếp hàng hoá trước khi xe tham gia giao thông; tăng cường tuần tra xử lý xe “vua”, xe “né” trạm kiểm tra tải trọng; quyết liệt trong phòng, chống tiêu cực của lực lượng thực thi nhiệm vụ và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm…
 
- Bộ trưởng đang cho nghiên cứu “đường bay vàng”, giảm cả vài chục phút bay, tiết kiệm gần 300 triệu USD mỗi năm. Một số hãng hàng không nói chi phí quá cảnh rất cao. Vậy, ý kiến chính thức của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng:Trước hết phải nói rằng, không có “đường bay vàng” nào cả mà chỉ là đường bay thẳng nằm trong các giải pháp mà Bộ đang triển khai, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, cho doanh nghiệp. 
 
Thực ra, đường bay này đã được nghiên cứu từ lâu song bị dừng lại do chưa có đủ điều kiện. Hiện nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế, đặc biệt khi chúng ta ký Hiệp định hàng không giữa 4 nước Việt Nam-Campuchia-Lào-Myanmar để tạo điều kiện cho hàng không mỗi nước, trong đó có việc bay thẳng.
 
Chúng tôi đang cùng với các hãng hàng không và các cơ quan liên quan để nghiên cứu các đường bay thẳng, trước hết là đường bay thẳng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Đường bay thẳng này, mục tiêu số một là đảm bảo an toàn, kế đó là hiệu quả cho cho các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, chi phí giảm thì chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi từ việc giảm giá vé. 
 
Tất nhiên, để làm được điều này thì cần có điều kiện về hạ tầng. Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài hoàn toàn có đủ điều kiện phục vụ các chuyến bay này.
 
-Xin cảm ơn Bộ trưởng.
 
Theo Vietnam+