Hội nghị cấp cao về chăm sóc sức khỏe toàn dân trong khuôn khổ kỳ họp thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khai mạc ngày 23/9/2019 tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York.
Với chủ đề “Cùng xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn,” hội nghị đã thu hút sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như nhiều lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực y tế của các nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân, đảm bảo để người dân được thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả.
Hệ thống y tế cơ sở được thiết lập từ Trung ương tới địa phương với hơn 11.000 cơ sở y tế cấp xã và hầu hết các cơ sở này có đủ bác sỹ, y tá, nữ hộ sinh hoạt động dựa trên nguyên lý bác sỹ gia đình. Theo báo cáo giám sát tình hình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2017 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, chỉ số bao phủ dịch vụ của Việt Nam đạt 73/100 điểm, có thể coi là khá cao so với mức chung trong vùng Đông Nam Á là 59/100 và toàn cầu là 64/100.
Chương trình bảo hiểm y tế đã tới được với 90% dân số và hiện Chính phủ Việt Nam trợ cấp 100% phí bảo hiểm y tế cho những người có hoàn cảnh khó khăn và đóng 70% phí bảo hiểm cho những hộ cận nghèo.
Theo Bộ trưởng, chăm sóc sức khỏe cho người dân chính là con đường để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững về sức khỏe. Nhận thức được tầm quan trọng của quy trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải tổ ngành Y tế nhằm củng cố hiệu quả của hệ thống y tế, nhất là cải thiện khả năng chuyên môn của hệ thống y tế cơ sở để có thể chăm sóc sức khỏe cho cả người ốm và người khỏe mạnh.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã tiến hành cải tổ cơ chế tài chính, đầu tư hạ tầng và đào tạo lực lượng y, bác sỹ ở các trung tâm y tế cơ sở để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho toàn dân. Đồng thời, các chính sách cải tổ của Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu lấy người bệnh là trung tâm khiến người đi khám, chữa bệnh ngày càng yên tâm và hài lòng. Theo kết quả nghiên cứu độc lập mới công bố gần đây, tỷ lệ bệnh nhân hài lòng với dịch vụ y tế ở Việt Nam là 81%.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, khó khăn lớn nhất đối với ngành Y tế Việt Nam là tìm ra cơ chế tài chính phù hợp đối với công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân ở tuyến cơ sở bởi hiện các nguồn lực vẫn tập trung vào các dịch vụ chữa bệnh là chủ yếu trong khi ngân sách dành cho các dịch vụ y tế cơ sở và y tế phòng ngừa còn rất hạn chế.
Cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về chăm sóc sức khỏe toàn dân năm nay với sự tham gia của lãnh đạo ngành Y tế đến từ 169 nước đã đặt mục tiêu có được cam kết về chính trị cũng như tài chính của các nước trong việc thực hiện mục tiêu cao cả này. Cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về chăm sóc sức khỏe toàn dân được khởi xướng vào tháng 12/2017 khi Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về sức khỏe toàn cầu và chính sách đối ngoại nhằm chăm sóc sức khỏe cho những người yếm thế vì một xã hội không để ai lại phía sau./.