Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ thế nào là đúng?
(Baonghean.vn) - Vi chất dinh dưỡng là những chất cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò quan trọng. Khi thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm...). Những chất này có nhiều trong các thức ăn nguồn gốc động vật và thực vật.
19/12/2018 - 08:16
Thiếu sắt gây thiếu máu - đây là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Khi thiếu máu, trẻ da xanh, kém hoạt bát; hay bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn… Sắt được cung cấp cho cơ thể từ thức ăn động vật (thịt bò, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, bầu dục, cá...) và thức ăn thực vật (đậu, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương...). Để tăng hấp thu sắt, nên ăn hoa quả cung cấp nhiều vitamin C. Bệnh còi xương ở trẻ em chủ yếu là do thiếu vitamin D. Khi thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, cơ thể sẽ huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Trẻ bị còi xương thường ngủ không yên giấc, rụng tóc, răng mọc chậm. Các thực phẩm có nhiều canxi: tôm, cua, cá, sữa, rau dền, rau mồng tơi...; Còn vitamin D có nhiều trong dầu gan cá, cá biển, gan, trứng gà bột ngũ cốc, sữa... Khi cơ thể bị thiếu iốt, tuyến giáp làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng nên tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ. Trẻ bị thiếu iốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, học kém, có thể bị đần độn. Nhu cầu iốt ở trẻ em khoảng 90 - 120mcg/ngày. Các thực phẩm có nhiều iốt là các loại cá biển, rong biển, rau cải xoong, tảo... Kẽm có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, miễn dịch, giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng, hình thành các tổ chức. Thiếu kẽm làm trẻ giảm sức đề kháng, hay mắc bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Nhu cầu kẽm của trẻ nhỏ 5 - 6mg/ngày. Thực phẩm có nhiều kẽm: lòng đỏ trứng gà, sò, trai, hến, lươn, ốc, củ cải, đậu tương... Vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, giúp trẻ lớn và phát triển bình thường. Khi thiếu vitamin A, trẻ chậm lớn, hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, viêm đường hô hấp, khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa. Thực phẩm có nhiều vitamin A: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn...; rau xanh, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ).