Tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội (QH) bầu hoặc phê chuẩn là một trong những nội dung của "Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH". Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền cho rằng, để việc làm này đạt chất lượng cao, nhất thiết phải tiến hành bỏ phiếu hằng năm với các bộ trưởng.

- Dư luận hiện đang quan tâm về nội dung bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Việc bỏ phiếu tín nhiệm là một nội dung nằm trong Luật Hoạt động giám sát của QH với quy định, việc bỏ phiếu chỉ thực hiện khi hội đủ 20% ý kiến đại biểu đề xuất, nhưng trong một kỳ họp hay trong cả nhiệm kỳ thì chưa quy định rõ. Cá nhân tôi cho rằng, việc bỏ phiếu hằng năm không cần hội đủ yêu cầu tỷ lệ phần trăm đại biểu kiến nghị. Tỷ lệ đó chỉ có ý nghĩa trong trường hợp bỏ phiếu bất thường. Riêng với các bộ trưởng, nhất thiết phải tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm.

- Trong trường hợp bộ trưởng không nhận đủ 50% phiếu tín nhiệm thì có nên từ chức hay không, thưa ông?

- Nguyên tắc chung là quy trình phải được xem xét chặt chẽ. Các đại biểu khi tiến hành bỏ phiếu phải có đầy đủ thông tin. Một thông tin sai lệch có thể làm phương hại đến một cá nhân nào đó, khiến một bộ trưởng đáng lẽ phải nghỉ thì không nghỉ hoặc ngược lại. Vì vậy, vấn đề về nhân sự phải tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình.

- Về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ, theo ông với cơ chế cung cấp thông tin như hiện nay liệu có đủ để thực hiện?

- Tôi cho rằng thông tin cung cấp hiện nay là chưa đủ, bởi hằng năm, các thành viên Chính phủ chưa phải báo cáo về hoạt động của mình trước QH. Hiện tại, Chính phủ chỉ báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ chung, còn từng thành viên Chính phủ thì không. Như vậy, các đại biểu chỉ có thông tin về các thành viên thông qua báo chí, đơn, thư khiếu nại, chất vấn và trả lời chất vấn.

- Với quy định hiện nay, liệu có thiếu cơ sở để thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm với chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn?

- Cơ sở thì không thiếu và vẫn có thể thực hiện được. Song việc bỏ phiếu tín nhiệm là vấn đề rất hệ trọng, nên quy trình phải được tiến hành chặt chẽ với đầy đủ thông tin. Muốn thực hiện điều này, còn rất nhiều việc phải làm như: Xây dựng quy trình, cơ chế cung cấp thông tin từ người được bỏ phiếu hằng năm, quy định trách nhiệm cán bộ trong việc thực thi công vụ…


Theo Hà Nội mới - ĐT