Chiều 2/8, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do đồng chí Nguyễn Đức Quang - Cục trưởng Cục Ứng phó thiên tai, thuộc Tổng cục Phòng, chống thiên tai làm trưởng đoàn đã về kiểm tra công tác tiêu úng do ảnh hưởng của cơn bão số 2 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cùng đi với đoàn có lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh.
bna__cong_dien_thanh_anh_phu_huong7536610_282020.jpgCống Diễn Thành - hạng mục chính trong Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An thực hiện từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản (Jica). Ảnh: Phú Hương

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 có tên quốc tế là SINLAKU, trên địa bàn Nghệ An đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến tính từ 19 giờ ngày 31/7 đến chiều 2/8 ở mức bình quân từ 150 - 250 mm, một số nơi trên 300 mm. Tuy nhiên, nhờ chủ động vận hành các công trình tiêu úng nên trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ngập úng. 

Thuộc dự án nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc, cuối năm 2018, cống Diễn Thành (Diễn Châu) đã hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo tiêu thoát kịp thời cho 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành. 
Đồng chí Nguyễn Đức Quang yêu cầu đơn vị quản lý cống Diễn Thành phải chủ động xử lý các tình huống xảy ra. Ảnh: Phú Hương

Kiểm tra tại công trình, đồng chí Nguyễn Đức Quang nhấn mạnh: Cống Diễn Thành có nhiệm vụ tiêu úng cho 17.000 ha lúa và vùng dân sinh rộng lớn nên vai trò rất quan trọng. Đơn vị quản lý phải thường xuyên túc trực để chủ động ứng phó và xử lý ngay mọi tình huống xảy ra, phục vụ kịp thời nhu cầu tiêu úng của 2 địa phương trên.

Cục trưởng Cục Ứng phó thiên tai cũng đề nghị Nghệ An cần có các giải pháp nâng cao năng lực tiêu thoát nước, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như sản xuất trong mùa mưa bão, nhất là khi mùa mưa bão năm nay được dự báo sẽ có nhiều diễn biến bất thường và nguy hiểm.

Kiểm tra công tác tiêu úng tại cống Bến Thủy. Ảnh: Phú Hương

Đề cập đến hệ thống tiêu úng trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi khuyến cáo: “Hiện nay, các công trình tiêu úng đầu mối của tỉnh cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên trên hệ thống kênh mương tiêu thoát nội đồng còn tồn tại nhiều bất cập, hầu hết là kênh đất, đã bị hư hỏng và bồi lấp, chiều dài kênh mương được bê tông hóa không đáng kể. Các địa phương, đơn vị thủy nông cần tập trung nạo vét, sửa chữa nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước trong thời gian tới”./.