Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 có tên quốc tế là SINLAKU trên địa bàn Nghệ An đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến, tính từ 19 giờ ngày 31/7 đến 7 giờ ngày 2/8 phổ biến từ 70-200mm.

Thực hiện nghiêm túc nội dung các Công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An ban hành 3 công điện khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới, cấm tàu thuyền ra khơi và công điện ứng phó với bão số 2 (SINLAKU). UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cử nhiều đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó.

bna_image_4637918_282020.jpgThiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 và đoàn công tác đã về kiểm tra công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 2 tại Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Tính đến 7 giờ ngày 2/8, tất cả các phương tiện tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Nghệ An (toàn tỉnh có 3.488 tàu thuyền với 17.440 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển) đã vào bờ trú, tránh bão số 2. Ngoài ra, có 27 phương tiện với 154 lao động của tỉnh khác vào địa bàn tỉnh Nghệ An để trú, tránh bão số 2.

Đến thời điểm này vụ hè thu - mùa, diện tích lúa đã gieo cấy 84.156,2 ha/KH 90.000 ha, (đạt 93,5%). Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản: 18.670,0 ha. Tất cả các chủ hộ nuôi trồng thủy sản đã biết thông tin về cơn bão số 2 và đã chủ động các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Tại thời điểm hiện nay có khoảng 300 du khách đang lưu trú tại thị xã Cửa Lò. Tất cả các khách du lịch và chủ các cơ sở lưu trú đã nắm được thông tin về diễn biến của cơn bão số 2. Ảnh: Thu Huyền

Các công ty thủy lợi đang thực hiện vận hành các cống tiêu chính theo phương châm “gạn triều tiêu úng” để bảo vệ lúa và hoa màu, bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản; chống ngập úng ở vùng trũng. Các công trình thủy lợi đầu mối đang thi công như: Ba ra Đô Lương, Thủy lợi Bản Mồng và các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện khác đang thực hiện theo phương án phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt. Các trục tiêu chính và cống tiêu cuối hệ thống đã có phương án tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Hạng mục hệ thống tiêu lớn như cống Bara Nghi Quang có hư hỏng nhỏ, các đơn vị vận hành đã xây dựng phương án trong điều kiện bất lợi nhất.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Nghệ An, các địa phương đã rà soát các khu vực dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven suối ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Đặc biệt là tại 4 vị trí sạt lở đất các xã: Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam và khối 4, thị trấn Kỳ Sơn, địa phương đã sẵn sàng phương án di dời dân khi có mưa lũ đến nơi ở an toàn như: Trụ sở UBND xã, trường học, đồn biên phòng, ở nhờ các nhà dân có nơi ở an toàn.

Ngư dân Nghệ An khẩn trương chằng chống tàu thuyền. Ảnh Thu Huyền

Trên địa bàn tỉnh có 19 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Trong đó, có 8 hồ chứa (Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mộ, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng) đang thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả và các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ, tất cả đã được phê duyệt các phương án PCTT và an toàn đập.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.061 hồ: trong đó có 97 hồ do doanh nghiệp quản lý, còn lại là của địa phương quản lý. Chỉ có 14 hồ đầy nước (trong đó có 2 hồ do doanh nghiệp quản lý, 12 hồ do địa phương quản lý); có 236 hồ đang bị cạn nước (trong đó có 14 hồ do doanh nghiệp quản lý, 222 hồ do địa phương quản lý); có 3 hồ dung tích lớn hơn 70% dung tích thiết kế, 13 hồ từ 50-70%, 79 hồ dung tích nhỏ hơn 50%; các hồ còn lại đạt dung tích từ 20 - 40%. Hiện nay, các hồ đã được phê duyệt phương án PCTT năm 2020.
Tàu thuyền neo đậu tránh bão số 2 tại cảng cá Cửa Hội. Ảnh: Thu Huyền

Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, tình hình thiệt hại tính đến 9 giờ 30’ ngày 2/8, tại địa bàn Đồn Biên phòng Quỳnh Phương tàu cá NA93679TS của ông Lê Bá Tình, sinh năm 1981, thường trú tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, đang neo đậu ở Lạch Cờn trú tránh bão tàu bị nghiêng nước vào làm chìm ½ tàu.

Thực hiện nghiêm túc nội dung các công điện chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh; Các sở, ban, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, đang triển khai các biện pháp ứng phó theo phương án được duyệt để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của nhân dân, các công trình trọng điểm và các cơ sở hạ tầng khác. Các địa phương ven biển chuẩn bị sẵn sàng di dân khi có lệnh, theo phương án ứng phó thiên tai đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức nghiêm túc công tác trực ban 24/24 giờ để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra...

Ông Phạm Hồng Thương - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Nghệ An