Thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, ngoài Salbutamol cơ quan này vừa phát hiện thêm chất cấm khác cũng có tác dụng tạo nạc trong chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các đợt thanh - kiểm tra của cơ quan này trong tháng 8 đã phát hiện thêm một loại chất cấm mới được sử dụng trong chăn nuôi, là Systeamine. Chất cấm này có tác dụng tạo nạc tương tự chất Salbutamol trước đây.
Systeamine là một tiền hooc-mon có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi, chất này đã bị Liên minh Châu âu cấm sử dụng trong chăn nuôi. Việt Nam đưa chất này vào danh mục hạn chế sử dụng (theo Luật Hóa chất).
“Bộ Nông nghiệp và PTNT không cho nhập, kinh doanh và sử dụng hoạt chất này trong chăn nuôi”, Chánh Thanh tra Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn khẳng định.
Tuy nhiên, qua thanh tra đột xuất Thanh tra Bộ phát hiện Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi Maxsure và Synergrow có chứa chất Systeamine với hàm lượng đậm đặc 3% và một số hành vi vi phạm khác. Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính công ty này số tiền 197 triệu đồng và buộc tiêu hủy các sản phẩm vi phạm theo quy định.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Việt, hoá chất công nghiệp đã được phát hiện sử dụng trong chăn nuôi như Salbutamol, Vàng ô và hiện giờ là Systeamine…. là các loại hoá chất sử dụng tỏng nhuộm màu công nghiệp (nhuộm sợi vải, giấy…), được nhập chủ yếu từ Trung Quốc và được bán công khai tại các chợ đầu mối hoá chất.
“Do đây là các loại hoá chất được phép lưu hành, dùng trong công nghiệp nên việc bày bán, nhập khẩu là không sai, nhưng sai phạm ở đây là người mua dung sai mục đích khi sử dụng cho thức ăn chăn nuôi, thực phẩm”, chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp chia sẻ.
Hiện tại, trên thị trường giá một kg hóa chất công nghiệp chỉ bằng 1/2 giá của hóa chất cùng loại dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, thậm chí là chỉ bằng 1/3.
“Sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp vào việc sản xuất các sản phẩm dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm động vật”, ông Việt chỉ ra và nhấn mạnh, việc dùng hóa chất công nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản là một hành vi nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới xuất khẩu của ngành thủy sản.
Năm 2015, đã có nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về vì bị tồn dư kim loại nặng.
Theo VNE