(Baonghean.vn) - Từ một vùng đất nghèo khó, những năm gần đây làng Minh Nhuận xã Thanh Ngọc huyện Thanh Chương đã vươn lên trở thành "làng trăm triệu" - dẫn đầu toàn huyện về kết quả khai khác quỹ đất nông nghiệp nhờ làm kinh tế gia trại.
Minh Nhuận là vùng đất nằm dưới chân núi Nguộc và một số ngọn đồi thuộc hệ Muồi Thung, đồng đất thấp, cao, cồn vệ rất khó sản xuất, chăn nuôi. Khoảng 5 năm trước, sau khi địa phương thực hiện chuyển đổi ruộng đất, xây dựng NTM, đã có nhiều hộ dân làng Minh Nhuận đầu tư làm kinh tế gia trại.
Là một trong những hộ đầu tiên nhận ruộng, ông Nguyễn Đinh Ngọc đã thuê mượn máy múc ao, thả cá. Ông tận dụng diện tích quanh ao để trồng cỏ voi, chuối, tạo nguồn thức ăn tự nhiên và đầu tư chăn nuôi thêm các vật nuôi: lợn, gà, vịt.
Rút kinh nghiệm từ cách làm của một vài mô hình gia trại tại địa phương trước đây, gia đình ông Ngọc chủ yếu nuôi các loại cá trắm, chép và cá chim. Đây là những loài cá ăn các tạp chất phát sinh từ chăn nuôi nên vừa tận dụng được các tầng nước lại đảm bảo vệ sinh môi trường vừa là giống cá được thị trường ưa chuộng. Kinh nghiệm hạn chế dịch bệnh cho cá, ông thường xuyên vệ sinh ao, thay nước và sau 3 năm tháo cạn, xử lý vôi bột để làm sạch môi trường ao nuôi.
Còn đối với các loại vật nuôi khác như, gà lợn được chăn nuôi chung, riêng vịt được nuôi riêng ngay cạnh ao và áp dụng phương thức chăm sóc khác nhau. Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, ông Ngọc cho biết: Vịt là loại con đẻ trứng vào ban đêm lại không ưa tiếng ồn, nên không thể nuôi chung với gà. Trong thời kỳ đầu của mỗi loại con nuôi đều phải dùng cám công nghiệp, đến thời kỳ cuối, chỉ dùng các loại cám ngô gạo, bã bia, bã sắn. Nhờ tự cung ứng giống và áp dụng kỹ thuật phòng bệnh nên các loại con nuôi của gia trại phát triển tốt.
Trên diện tích 1 mẫu ao, và hàng trăm con lợn, gà, vịt được chăn nuôi hàng năm, gia đình ông Ngọc thu lãi từ 150- 200 triệu đồng.
Hiện ở Minh Nhuận có trên 70/ 190 hộ gia đình làm gia trại với tổng diện tích tên 70 ha. Trong đó có 50 ha ruộng đất được chia lại và khoản 50 ha thuê của người dân xã Ngọc Sơn và trại chăn nuôi cũ của huyện. Bình quân mỗi gia trại cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Mỗi năm, làng Minh Nhuận thu về trên 10 tỷ đồng từ phát triển kinh tế gia trại.
Ông Nguyễn Hữu Nhi - Trưởng làng Minh Nhuận cho biết: Các trang trại, gia trại trên địa bàn chủ yếu chăn nuôi cá, lợn và gà, vịt. Quy mô các gia trại ngày càng được mở rộng, chất lượng sản phẩm đảm bảo nên thương lái vào tận các hộ thu mua; người dân không phải mang đi bán lẻ tại các chợ.
Hiện đã có nhiều địa phương trên địa bàn huyện Thanh Chương đã học hỏi, áp dụng mô hình phát triển kinh tế gia trại ở Minh Nhuận. Riêng tại xã Thanh Ngọc, 100 % thôn xóm đều đã phát triển mô hình kinh tế gia trại.
Để đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế gia trại, nhằm nhân rộng các "làng trăm triệu", UBND huyện Thanh Chương đã đầu tư 200 triệu đồng để địa phương nâng cấp, mở rộng tuyến đường chính vào khu gia trại của xã Thanh Ngọc; tạo động lực phát triển chăn nuôi hàng hóa tại địa phương trong thời gian tới.
Trần Đình Hà
TIN LIÊN QUAN