Theo đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, không nên nhìn cực đoan rằng người thân thì không được bổ nhiệm. Tuy nhiên kiểu "gia đình trị" lại không bình thường.
Liên quan đến vụ tố cáo “gia đình trị” tại Tổng Công ty VMS-South và đơn vị thành viên, Kết luận số 13802/KL-BGTVT về nội dung tố cáo tại VMS-South do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký cho thấy, kết quả xác định 15 người có quan hệ gia đình, họ hàng với Tổng Giám đốc Công ty này. Kết luận cũng chỉ ra nhiều thiếu sót trong quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng.
Trước đó, câu chuyện “cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) cũng khiến dư luận xôn xao và cơ quan có trách nhiệm đã phải vào cuộc làm rõ.
Dễ nảy sinh thâu tóm quyền lợi
Theo đại biểu Lê Như Tiến- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh thiếu niên- Nhi đồng thì không vì những sai phạm trên mà có cách nhìn cực đoan rằng cứ người thân thì không được tuyển dụng, bổ nhiệm.
Cần phân biệt nếu những người thân đó giỏi giang, xứng đáng, thi đầu vào đạt thì bình thường. Còn đề bạt bổ nhiệm người thân không đúng quy định, tới một nửa hoặc 2/3 người thân trong gia đình, cố tình “gia đình trị” một cơ quan nhà nước thì đó là điều không bình thường.
“Ngày xưa các cụ có câu “một người làm quan cả họ được nhờ” là vì một người làm quan là lôi kéo cả họ vào cơ quan làm việc hoặc một bộ phận nào đó ở cơ quan nhà nước”, đại biểu Tiến nói.
Theo đại biểu, vấn đề này luật cũng đã có quy định. Nếu người chồng làm tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị đứng đầu cơ quan thì vợ con không được làm kế toán trưởng, hoặc trưởng phòng tổ chức cán bộ, bởi như thế sẽ tạo nên vây cánh.
“Ông bố là chủ tịch hội đồng quản trị, con gái kế toán trưởng, con trai là trưởng ban tổ chức thì sẽ thâu tóm toàn bộ quyền lực, quyền lợi trong một cơ quan”, đại biểu Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Người lãnh đạo phải biết điều cấm kỵ
Cho rằng thực tế có hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ” nên ký vội, ký vô nguyên tắc người thân trong gia đình của mình theo kiểu “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đồ đệ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội cho rằng, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng liên quan nên có những quy định cụ thể hơn về việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Phải minh bạch hóa bằng cách thi tuyển cạnh tranh kể cả đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng thì bộ máy của chúng ta mới có một đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất.
Ở góc độ khác, nhiều địa phương khuyến khích các thế hệ học hành đỗ đạt, được đào tạo về cống hiến xây dựng quê hương; nhiều người trẻ muốn kế thừa và phát huy truyền thống của gia đình trong một ngành, lĩnh vực cụ thể. Theo ông Lê Như Tiến, điều đó là tích cực nên không nhìn nhận cực đoan kiểu người thân quen thì không được nhận mà điều quyết định là năng lực trình độ và quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm. Hơn nữa, việc bổ nhiệm quá nhiều người thân dù có đúng cũng tạo dư luận không tốt.
Theo đại biểu Tiến, người cấp trên, đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải biết điều cấm kỵ, không được đưa những người thân cận của mình vào cơ quan nhà nước không đúng quy trình, thủ tục, không đủ năng lực phẩm chất.
“Nếu người lãnh đạo có sự nhạy cảm, vì dân vì nước thì nên tránh chuyện đó, không nên bố trí thành kiểu “gia đình trị”, ông Lê Như Tiến nói./.
Theo VOV.VN