Các chuyên gia cho rằng, để tránh tình trạng bổ nhiệm cán bộ 'thần tốc', tiến cử người sai thì người tiến cử cũng phải bị trừng phạt.

Trong thời gian gần đây, công tác bổ nhiệm cán bộ ở một số ngành, địa phương đang có nhiều vấn đề tồn tại khiến dư luận bức xúc và đặt nhiều câu hỏi. Đó là việc bổ nhiệm "thần tốc" ông Vũ Minh Hoàng trở thành Vụ phó Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương Phạm Văn Tỏ ký quyết định bổ nhiệm con trai, không qua thi tuyển công chức, vào một vị trí cán bộ cấp phòng; vụ bổ nhiệm "thần tốc" bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa…

Phải làm "sạch" những người làm công tác cán bộ

Việc tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ quản lý, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích, theo PGS. TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, đây chính là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị như nhận diện của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Đây cũng là biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn, trước mắt có lợi cho mình.

PGS. TS Đào Duy Quát.

 “Tư duy nhiệm kỳ là khi người cán bộ chỉ thấy nhiệm kỳ của mình là cơ hội để tranh thủ làm gì có lợi cho cá nhân, cho gia đình, con cái. Tư duy nhiệm kỳ là tranh thủ “bán chức” cho những người “mua quan” để lấy tiền làm giàu bất chính… Những việc làm này không phù hợp và có hại cho lợi ích chung” - ông Quát nhấn mạnh.

Theo PGS. TS Đào Duy Quát, căn cứ vào các vụ đại án, các dự án lãng phí, thất thoát hàng ngàn tỷ và các cơ quan bổ nhiệm đề bạt quá nhiều cấp phó, hoặc trong thời gian ngắn đưa từ nhân viên lên phó giám đốc, từ lái xe lên Viện phó, Chủ tịch hội đồng khoa học cho thấy rất rõ 2 biểu hiện suy thoái này diễn ra chủ yếu ở 2 khâu: Cấp dự án và bổ nhiệm cán bộ. “Do đó, biểu hiện này gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan. Đó là người có trách nhiệm và quyền quyết định đối với 2 khâu này”.

Ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, trở đi trở lại, cái khó nhất là con người, đặc biệt là cán bộ. Khi  lòng dạ không trong sáng thì việc nhỏ cũng thành việc to, khi lòng dạ đen tối thì biến cái an thành cái nguy.

Ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

 “Xung quanh công tác cán bộ còn rất nhiều chuyện. Điều tôi muốn nói là phải kiểm soát quyền lực. Tiến cử người sai thì người tiến cử cũng phải bị trừng phạt” - ông Nhị Lê kiến nghị.

Ngoài những vấn đề về quy chế và kiểm soát quyền lực, theo ông Nhị Lê, rất cần coi trọng vấn đề tự trọng và liêm sỉ, phải biết tự xấu hổ. Vấn đề then chốt trong việc làm trong sạch công tác cán bộ là phải tập trung vào làm trong sạch những người làm công tác cán bộ. Bên cạnh đó, cần phải có chế tài cụ thể. Như vậy mới chỉnh đốn được ngay từ bên trong. Cán bộ phải được giám sát từ cơ sở, không người nào lọt qua được sự giám sát của nhân dân. Như thế thì mới không “loạn”.

Tất cả những quá trình này hiện nay đã có những quy định của Đảng, Nhà nước về tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Vấn đề là người áp dụng, xử lý quy trình đó. Theo ông Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong công tác cán bộ, ngoài cái tài thì cái tâm của người của những người có trách nhiệm rất quan trọng.

“Nếu người áp dụng có tâm sẽ chắc chắn lựa chọn được những cán bộ tốt. Nếu không có tâm thì quy trình của chúng ta có chặt chẽ đến đâu cũng  không bao giờ lựa chọn được cán bộ tốt”- ông Huy nói.

Quy hoạch xong phải đưa phải đưa vào lộ trình bồi dưỡng

Theo ông Bùi Quang Huy, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã “bắt mạch” được những biểu hiện cụ thể về sự suy thoái trong công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ để có thể chấn chỉnh, làm tốt hơn trong thời gian tới.

Thực tế, trong công tác bổ nhiệm, tuyển dụng, cán bộ chúng ta luôn có những tiêu chí để lựa chọn những người có đức, có tài và những cán bộ trẻ. Để làm việc này tốt trước hết phải có chiến lược, có quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Ngay như tập đoàn, doanh nghiệp hiện nay đều đã có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, chứ chưa nói đến hệ thống chính trị.

Ông Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trước hết, đó là việc tạo nguồn. Việc tạo nguồn cần được thực hiện một cách chủ động. Hiện nay, một số địa phương đã có chương trình đào tạo riêng về đào tạo nguồn nhân lực của họ. Như thế, với việc thực hiện các chiến lược quy hoạch, kế hoạch đó thì cần phải khá dài hơi và bài bản, họ phát hiện những nhân tố tiềm năng ngay từ thời ngồi ghế nhà trường phổ thông, tạo điều kiện cho họ rèn luyện trong các bậc học tiếp theo như đại học, cao học… để cho họ phát triển hơn nữa. “Tất nhiên, qua quá trình đào tạo, rèn luyện, từ số đông thì họ sẽ sàng lọc dần dần để “chắt lọc” được đội ngũ tốt và bước tiếp theo sẽ đưa vào quy hoạch” - ông Huy nói.

Hiện nay có tình trạng, đôi khi đánh giá chất lượng nguồn nhân lực chỉ căn cứ vào bằng cấp và một số tiêu chuẩn có tính định lượng, còn năng lực thực tế bị xem nhẹ. Cho nên mặc dù quy trình rất chặt chẽ và bài bản nhưng lại lựa chọn những người không có năng lực để đưa vào những vị trí cụ thể.

“Công tác quy hoạch cũng phải được thực hiện đúng theo các quy định và công tác đào tạo, bồi dưỡng những người đã đưa vào quy hoạch để làm sao họ đạt được tiêu chuẩn của vị trí chức danh được quy hoạch rất quan trọng. Nếu chúng ta đã quy hoạch họ, nhưng lại không đưa vào lộ trình đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch thì đó cũng chỉ là hình thức” - ông Huy nêu ý kiến.

Đại hội Đảng các cấp vừa qua đặt ra chỉ tiêu 10% trong cấp ủy là trẻ, dưới 40 tuổi. Tuy nhiên, Trung ương đánh giá rất nhiều địa phương không đạt được chỉ tiêu này, đây cũng là vấn đề cần suy nghĩ. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi có nguồn nhân lực tốt, cấp ủy phải mạnh dạn sử dụng thì mới phát huy được, nếu không chủ trương của Đảng vẫn không đi vào thực tiễn cuộc sống./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN