"Đến cửa quan phải mang phong bì” đã trở thành thói quen trong suy nghĩ của nhiều người dân.

Tham nhũng tràn lan, lĩnh vực nào cũng xảy ra tham nhũng là những cụm từ khá quen thuộc. Có một thực tế là dường như để giải quyết một công việc gì đó, người dân thường phải tính thêm một khoản chi phí như là một sự tất yếu. Vì sao người dân lại có thói quen cam chịu sống chung với tham nhũng vặt như vậy?

Có nhiều lý do để nhũng nhiễu

PGS, TS Phạm Bích San, chuyên gia xã hội học, cho rằng, thực tế không ai vui vẻ,  tự nguyện bỏ đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình để trả cho những việc đáng ra họ phải được phục vụ. Vậy nhưng người ta vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra là bởi họ muốn đảm bảo công việc của mình được giải quyết nhanh chóng và được tiếp đón, đối xử văn minh, vui vẻ. Nhưng quan trọng nhất ở đây là được việc.

PGS, TS Phạm Bích San (trái) tại phòng thu của VOV.

Thực tế việc người dân chấp nhận trả tiền để được việc của mình, bởi không có một bộ hồ sơ nào là hoàn hảo, kiểu gì cũng có một chút sai sót. Đây chính là cơ sở, điều kiện để người ta nhũng nhiễu. Người dân nếu không đưa tiền họ buộc phải đi lại nhiều lần, mất thời gian.

Lâu dần, nó trở thành “chuẩn mực” khiến người ta thường trực suy nghĩ: đã đến cửa cơ quan hành chính là phải chuẩn bị sẵn sàng phong bì, nếu không phải đưa là quá tốt, nếu phải đưa thì cũng đã sẵn sàng. Đặc biệt với giới trẻ, thời gian là thứ vô cùng quan trọng, thời gian qua đi họ không thể lấy lại được, do đó mà một bộ phận người trẻ người ta chấp nhận sống chung với tham nhũng vặt.

Từ thực tế trên, PGS.TS Phạm Bích San cho rằng, có hai câu chuyện cần xử lý. Thứ nhất: Phải tổ chức bộ máy hành chính ra sao để người ta không có khả năng tham nhũng và không dám tham nhũng. Thứ hai: làm thế nào để người dân không có thói quen đưa tham nhũng và phải mất đi suy nghĩ chỉ có đưa tiền lót tay công việc mới được giải quyết.

“Có thể thấy, thủ tục cấp giấy phép lái xe ở Hà Nội sau một thời gian cải cách quyết liệt, hiện đã rất nhanh chóng, tiện lợi. Tuy nhiên, một bộ phận người dân không biết nên vẫn phải nhờ qua các “cò”. Quan sát của tôi thấy rằng “cò” chẳng phải làm gì nhưng vẫn có thể nhận 200.000-300.000 đồng một cách ngon lành. Như vậy để thấy rằng, thói quen của người dân cần phải được thay đổi, nhưng trước hết bộ máy hành chính cần phải được hoàn chỉnh, cải tổ để làm sao có người chịu trách nhiệm đối với những vấn đề nhũng nhiễu, tham nhũng. Nếu chuyện xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm và có kênh thông tin để chuyển đến những nơi cần thiết. Câu chuyện về bộ máy theo tôi vẫn là quan trọng nhất”, PGS.TS Phạm Bích San nêu rõ.

Điểm yếu trong bộ máy cơ quan hành chính

Không thể phủ nhận, bộ máy hành chính của chúng ta trong vài năm vừa qua đã có những cải cách rất quyết liệt, hiện tại, quy trình để giải quyết những việc thông thường nói chung đã có rất nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ ấy, cần tiếp tục đào tạo cho các cán bộ công chức để có được sự công tâm khi giải quyết công việc. Và nếu người dân biết được quyền lợi của mình, biết cách thực thi quyền làm chủ của mình, chắc chắn công chức ăn lương của dân sẽ phải làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm.

PGS.TS Phạm Bích San cũng chỉ ra rằng, một điểm yếu trong bộ máy hành chính của chúng ta hiện nay đó là trách nhiệm cá nhân của cán bộ còn rất yếu. Điển hình của thực trạng này là sự đùn đẩy, từ chỗ này sang chỗ kia, từ người này sang người kia.

Lý do của chuyện này, thứ nhất là do bộ máy tổ chức của các cơ quan hành chính chưa được khoa học, trách nhiệm không rõ ràng; Hai là bộ máy công chức quá đông. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn làm Phó Thủ tướng cũng từng chỉ ra rằng, chỉ có 3% công chức làm được việc, 4% có cũng như không. Vậy khi đã có quá nhiều người trong bộ máy hành chính đương nhiên họ sẽ đùn đẩy nhau, còn việc thì không giải quyết được. Hệ quả là, với bộ máy đông như thế cũng không thể tăng lương để đảm bảo thu nhập cần thiết cho cán bộ công chức, để họ có đủ liêm chính và không quan tâm tới tham nhũng vặt.

Để giải quyết được tình trạng tham nhũng vặt đòi hỏi một sự cố gắng rất lâu dài để loại bỏ thói quen “đến cửa quan phải có phong bì” ra khỏi suy nghĩ của người dân. Để làm việc đó đòi hỏi phải có được bằng chứng, nếu người ta không thực thi theo “chuẩn mực” đó người ta phải có kết quả, nếu không có người ta sẽ bị mất thời gian, và quan trọng hơn là không được việc.

Và để người dân chấp nhận tố cáo tham nhũng vặt cần phải có các kênh tiếp nhận tố cáo: cơ quan chức năng chống tham nhũng, cơ quan báo chí và các tổ chức xã hội tham gia giám sát. Điều đáng nói, chúng ta có đủ các cơ quan này nhưng chưa hoạt động đúng tầm hiệu quả như mong muốn. Vì vậy phải cải tiến lại hoạt động của những cơ quan này. Và việc đầu tiên là phải bảo vệ cho chính những người có trách nhiệm bảo vệ người dân tố cáo tham nhũng và sau đó là bảo vệ người tố cáo tham nhũng./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN