(Baonghean.vn) - Từng làm cán bộ kinh doanh của một công ty, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tuấn, thôn Cẩm Thắng, xã Cẩm Sơn, Anh Sơn lại có quyết định nhiều người cho là “gàn”. Đó là từ bỏ công việc chuyên môn để về quê nuôi gà với sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Tốt nghiệp cao đẳng khoa kỹ thuật năm 2010, Tuấn được nhận vào làm cán bộ kỹ thuật tại một công ty mía đường. Sau 3 năm anh được đề bạt làm cán bộ kinh doanh. Công việc đang tiến triển thuận lợi, thì “bỗng dưng” năm 2014, Tuấn xin nghỉ việc để về quê làm nông dân.
Tuấn chia sẻ: “Quyết định nghỉ việc của tôi đã gây xôn xao làng xóm. Gia đình, anh em, họ hàng phản đối. Vì lúc đó, đang có công việc ổn định, lại đột nhiên từ bỏ, về quê nuôi gà thì đúng là chuyện khó tin”. Trước khi có dự định này, Tuấn đã có một thời gian đọc sách, báo, nghiên cứu, cập nhật thông tin, thấy nhiều mô hình kinh tế hay, anh dần dần nuôi hi vọng làm giàu.
Bởi vậy, lúc rảnh rỗi, anh lại lên mạng, tìm hiểu thông tin về các mô hình làm kinh tế nông thôn. Thấy mô hình nuôi gà thả đồi vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế của gia đình vậy là anh quyết tâm làm.
Với số vốn vay ngân hàng 300 triệu đồng, anh dùng để mua gà giống và xây chuồng trại trên diện tích 2 ha. Bằng phương pháp nuôi gà an toàn sinh học, lứa nuôi đầu tiên thành công anh cho xuất chuồng trên 3.700 con thu về 160 triệu đồng. Phấn khởi trước kết quả được vậy là anh tiếp tục mở rộng trang trại chăn nuôi.
Theo anh Tuấn, việc nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có nhiều điểm tương đồng với nuôi truyền thống là gà được thả tự do trong không gian rộng lớn. Vì vậy, ngoài các loại thức ăn chính là lúa, ngô và cám tổng hợp, thì gà còn tự kiếm thêm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng… nên dinh dưỡng được bổ sung thêm.
Quan trọng hơn, cách nuôi này có nhiều quy định nghiêm ngặt từ cách chọn giống, cách chăm sóc gà qua từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Cùng với đó, việc vệ sinh chuồng trại phải được thực hiện thường xuyên 1 lần/tuần. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật và tuân thủ cách vệ sinh, xử lý chuồng trại cũng như phòng bệnh, nên lứa nào gà cũng lớn nhanh và ít bị bệnh. Đặc biệt, gà nuôi theo hướng sinh học cho thịt dai và thơm ngon, nên bán được giá.
Anh Tuấn chia sẻ: Năm 2015, gia đình anh xuất bán được 4 lứa gà thịt với tổng cộng trên 12 tấn gà thịt. Phần lớn, gà của gia đình anh đều được thương lái tìm đến tận nhà để thu mua với giá từ 85-90 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó anh còn nuôi 200 con gà đẻ trứng và đầu tư lò ấp để chủ động nguồn giống và bán gà con. Từ việc chăn nuôi, kinh doanh gà thịt và gà giống cũng mang lại cho anh Tuấn nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Ngoài sản xuất giỏi, anh Nguyễn Văn Tuấn còn là một đoàn viên gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi hoạt động đoàn tại cơ sở. Anh Nguyễn Văn Khánh - Bí thư Đoàn xã Cẩm Sơn cho biết: “Ở Tuấn luôn có ý chí học hỏi, tìm tòi, mạnh dạn tìm hướng làm ăn để phát triển kinh tế cho gia đình và có điều kiện giúp các đoàn viên thanh niên khác trong chi đoàn vượt nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.
Huyền Trang
Đài Anh Sơn