Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, một số sở, ban, ngành liên quan.
Ưu tiên nguồn lực để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành đã báo cáo với đoàn công tác về công tác chuẩn bị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, năm học 2020 - 2021.
Theo đó, trong năm học tới Nghệ An có hơn 65.000 học sinh lớp 1. Để chuẩn bị đủ giáo viên đứng lớp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng nhu cầu biên chế, tham mưu cho UBND tỉnh phân bố chỉ tiêu vị trí việc làm cho các huyện từ năm học 2020 - 2021 đạt tỷ lệ 1,4 giáo viên/lớp, các năm tiếp theo đạt 1,5 giáo viên/lớp, đảm bảo cơ cấu để tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục theo lộ trình đổi mới.
Song song với đó, tỉnh đã sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường, lớp học và đã giảm được 26 trường tiểu học, 15 điểm trường lẻ, cơ bản đảm bảo cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (chương trình 32 tiết/tuần), dạy Tin học và Ngoại ngữ.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học căn cứ yêu cầu của chương trình để tham mưu xây dựng cơ sở vật chất, phòng học đảm bảo phục vụ cho việc dạy học đủ tỷ lệ 1 phòng/lớp. Rà soát, xây dựng bổ sung phòng học chức năng.
Hiện Nghệ An đã hoàn thành việc chọn sách giáo khoa lớp 1 và chủ trì phối hợp với các nhà xuất bản, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học để kịp cung ứng sách giáo khoa đến với học sinh trước ngày 15/8. Nghệ An cũng là một trong những tỉnh làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên với hơn 3.000 hiệu trưởng, giáo viên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn gặp nhiều khó khăn khi mạng lưới trường lớp vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều điểm trường, điểm trường lẻ chưa có điện lưới. Việc đảm bảo cơ sở vật chất để phục vụ dạy Tin học, Ngoại ngữ còn gặp nhiều khó khăn.
Một số cơ sở giáo dục tiểu học chưa đáp ứng các điều kiện vật chất, sĩ số học sinh/lớp vùng, thành phố đô thị cao, khó khăn cho việc tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra tại nhiều địa phương và một số cán bộ, giáo viên còn hạn chế năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là ứng dụng CNTT vào dạy học.
Không chủ quan với Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Tại buổi làm việc, đoàn công tác cũng đã nghe về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kỳ thi năm nay, Nghệ An có gần 32.000 thí sinh dự thi tại 61 điểm thi và dự kiến có khoảng 1.360 phòng thi. Thời gian qua tỉnh đã xây dựng nguồn kinh phí, tổ chức tuyên truyền, chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn và dự kiến các điểm in sao đề thi, chấm thi...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận về những nỗ lực, cố gắng của Nghệ An trong thời gian vừa qua.
Năm học này là một năm học đặc biệt quan trọng của toàn ngành Giáo dục, vì thế, để thực hiện tốt việc thay sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới thì khâu then chốt nhất là phải chuẩn đầy đủ cơ sở vật chất và xây dựng đội ngũ nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, trước mắt Bộ đề nghị tỉnh cần phải quan tâm, ưu tiên bố trí đủ định biên cho ngành Giáo dục. Đồng thời cần tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ tốt cho việc dạy và học.
Về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cần phải tổ chức nghiêm túc, khách quan và đặc biệt không chủ quan, thực hiện đúng quy chế của kỳ thi. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phòng ngừa, thanh tra tại kỳ thi ở tất cả các khâu từ in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất tin tưởng vào kinh nghiệm về công tác chuẩn bị của Nghệ An, đặc biệt khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, để kỳ thi diễn ra thuận lợi tỉnh cần sớm có kế hoạch kiểm tra về cơ sở vật chất, tăng cường tập huấn, xây dựng các phương án để kịp thời ứng phó với những sự cố bất thường.
Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cũng đã cam kết sẽ nỗ lực, cố gắng để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đảm bảo an toàn, đúng quy chế. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, năm học 2020 - 2021.