Bộ Công thương vừa có văn bản 120/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất hướng sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 nhằm điều hành linh hoạt và tăng cường quản lý đối với hệ thống kinh doanh xăng dầu.
Theo Bộ Công thương, trong thời gian qua Nghị định 84 đã từng bước tạo ra một thị trường xăng dầu cạnh tranh. Hiện đã có 13 thương nhân đầu mối kinh doanh nhập khẩu (NK) xăng dầu thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau (9 thương nhân là DN nhà nước, 4 thương nhân là DN ngoài quốc doanh). Ngoài ra, có khoảng 300 tổng đại lý, khoảng 4.500 đại lý và khoảng 10.000 cửa hàng xăng dầu, phần lớn là các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.
Tính đến hết tháng 10-2012, thị phần của Petrolimex vào khoảng 50%, của Tổng công ty Dầu Việt Nam-PV Oil vào khoảng 16,6%; của Tổng công ty thương mại XNK Thanh Lễ vào khoảng 5,3%... Nguồn cung xăng dầu trong thời gian qua cơ bản đáp ứng được tiêu thụ trong nước. Đáng chú ý, Nhà nước không còn phải bao cấp, bù lỗ xăng dầu. Giá bán lẻ xăng dầu trong nước về cơ bản phản ánh và bám sát được xu hướng biến động giá xăng dầu thế giới, làm giảm đáng kể tình trạng buôn lậu xăng dầu, chảy máu ngoại tệ…
Tuy đánh giá cao những tiến bộ của Nghị định 84, Bộ Công thương cũng chỉ ra và đề xuất một số quy định cần được nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi. Ví như những quy định điều kiện với các thương nhân kinh doanh xăng dầu về cầu cảng, kho chứa, hệ thống phân phối, phương tiện vận chuyển… chưa cho phép đánh giá đúng năng lực thực sự của các thương nhân. Quy định điều kiện còn thấp (cầu cảng 7.000 tấn, kho tiếp nhận 15.000 m3…) dẫn đến chưa lựa chọn được thương nhân đầu mối có tiềm lực đủ mạnh để đảm bảo hệ thống phân phối khi có biến động.
Bên cạnh đó, quy định được phép thuê cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận tải… của nhau dẫn đến không khuyến khích và không lựa chọn được các thương nhân có năng lực thực sự đầu tư cơ sở hạ tầng, tham gia thị trường; ngược lại, tạo ra sự phụ thuộc của các thương nhân gia nhập mới với thương nhân đầu mối cũ, làm giảm tính cạnh tranh trong tương lai cũng như tạo kẽ hở cho những thương nhân lợi dụng cơ chế, làm ăn chụp giật…
Đáng chú ý về công thức tính giá cơ sở, tại Nghị định 84 xác định mức giá mang tính trung bình để điều hành, xem xét mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành, từ đó tiến hành xử lý mức giá cụ thể và áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Giá cơ sở không phải là giá của một thương nhân, không phải là giá của một ngày, không phải là giá của một lô hàng. Đây là mức giá thể hiện xu thế biến động và chung cho tất cả thương nhân đầu mối.
Do vậy, theo Bộ Công thương sẽ có tác dụng tích cực tác động đến hoạt động kinh doanh của DN; khuyến khích DN lựa chọn bạn hàng, thời cơ giá nhập tốt, tổ chức mạng lưới kinh doanh hợp lý để có giá vốn thực tế thấp hơn giá cơ sở, tạo ra lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận định mức quy định (300 đồng/lít, kg). Ngược lại, sẽ tạo ra sức ép đối với các DN nhập với giá cao, tổ chức mạng lưới kinh doanh chưa hợp lý… dẫn đến có giá vốn cao hơn giá cơ sở, lợi nhuận sẽ ít, thậm chí không có lợi nhuận, do đó buộc các DN này phải tích cực tổ chức lại hoạt động kinh doanh để có hiệu quả…
Một số yếu tố trong giá cơ sở hiện nay đã thay đổi như “phí xăng dầu” hiện nay đã chuyển thành “thuế bảo vệ môi trường”, thuế giá trị gia tăng trước đây không tính trên phí xăng dầu nhưng hiện nay có tính trên thuế bảo vệ môi trường… Như vậy là có sự sửa đổi và có sự thay đổi trật tự một số yếu tố cầu thành giá cơ sở (một số loại thuế, phí…) so với thời điểm xây dựng nghị định.
Đồng thời, trong cách tính giá cơ sở đang tồn tại 2 tỷ giá tính giá cơ sở khi hạch toán xăng dầu: tỷ giá liên ngân hàng để tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và tỷ giá bán của ngân hàng thương mại khi tính giá CIF cơ sở.
Mặt khác, đối với tần suất điều chỉnh giá, Bộ Công thương cho rằng, việc quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 10 ngày đối với trường hợp giảm giá là chưa linh hoạt trong điều kiện giá thế giới diễn biến phức tạp cũng như yêu cầu cần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô hàng năm…
Ngoài ra, Bộ Công Thương chỉ ra, hiện nay lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 (quy định chi phí kinh doanh cho 1 lít xăng, diezel, dầu hỏa là 600 đồng; 1kg dầu mazut là 400 đồng) xây dựng từ năm 2009 đến nay đã lạc hậu do các chi phí cầu thành đã có nhiều biến động (tiền lương, khấu hao, chi phí vận chuyển, chi phí tài chính…), do vậy, bên cạnh việc quy định nguyên tắc điều chỉnh cũng cần có sự điều chỉnh kịp thời các mức trên để xác lập mặt bằng giá cơ sở sát với thực tế…
Hơn nữa, đối với biên độ điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất, cần nghiên cứu để quy định biên độ điều chỉnh giá phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới: thay vì theo 3 mức 7%, 12% và trên 12% như hiện nay (Khoản 2, Khoản 3 Điều 27) bằng các mức nhỏ hơn, chẳng hạn 3%, 5% và 7%; hoặc quy định mức điều chỉnh giá xăng dầu trong nước khi chênh lệch giữa giá cơ sở và giá hiện hành bằng con số cụ thể (ví dụ trong phạm vi đến 500 đồng/lít,kg thì thương nhân tự điều chỉnh giá bán; trên 500 đến 1.000 đồng/lít,kg thì thương nhân tự điều chỉnh giá kết hợp với sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; trên 1.000 đồng/lít,kg thì phải có ý kiến của liên Bộ Tài chính- Công thương thương nhân mới được phép điều chỉnh giá; phạm vi này có thể thay đổi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với từng thời kỳ).
Bộ Công thương đề xuất giảm biên độ và mức tăng gia xăng dầu
Theo Hà Nội mới - TH