Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng 10/1 tiếp tục góp ý về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết dù nội dung "tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam" vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi, song Ủy ban Tư pháp và Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo) thống nhất đề nghị bổ sung quy định này vào dự luật.
Theo đó, trại giam được phép thành lập khu sản xuất, điểm lao động và phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Việc này phải bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục, cải tạo, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động... Phạm nhân được ra ngoài lao động cũng phải được lựa chọn theo các điều kiện cụ thể về loại tội, mức hình phạt, ý thức
Nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc... trong sáng nay khi nêu ý kiến đã đồng tình với nội dung này. Tuy nhiên, ông Phúc góp ý, các khu sản xuất cần ở xa khu dân cư để quản lý tốt; tránh tình trạng bất ổn, đặc biệt là hạn chế vận chuyển ma túy.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành song đề nghị phải quy định chặt chẽ, tuân thủ Luật Lao động để không xảy ra cưỡng bức lao động. Người lao động phải được hưởng thành quả, đóng góp cho việc cải thiện bữa ăn. Theo bà Ngân, việc thành lập khu sản xuất, điểm sản xuất cho phạm nhân cũng còn liên quan đến Luật Đất đai, giao đất nên phải xem xét kỹ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng có phạm nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn phát minh ra những sáng kiến rất tốt. Vì vậy phải nghiên cứu cách tiếp cận để đảm bảo lợi ích cho phạm nhân, lợi ích cho quốc gia vì mỗi ngày họ có thể làm ra hàng tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trại giam thường xuyên phân loại, đánh giá phạm nhân. Theo đó, có ba loại phạm nhân, thứ nhất là đối tượng thường xuyên chống đối, tìm mọi cách vi phạm pháp luật, thậm chí còn "chỉ đạo ra bên ngoài", không chịu cải tạo. Đây là loại phạm nhân nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Thứ hai là loại phạm nhân lưng chừng, và loại ba chiếm số đông là những người rất tích cực, chấp hành tốt, luôn mong mỏi được đánh giá, được tha tù trước thời hạn.
Theo ông Tô Lâm, việc đưa phạm nhân đi lao động trong khu sản xuất, điểm lao động luật chưa quy định nhưng thực tế đã thực hiện. Dựa trên việc phân loại, các trại giam sẽ lựa chọn những phạm nhân đủ điều kiện đi lao động bên ngoài. Mục đích là "cải tạo họ trở thành người tốt".
Người đứng đầu lực lượng công an cho biết cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý. Hầu hết các trại đều đóng trên các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông không thuận lợi nên không thu hút được đầu tư, tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân chưa hiệu quả. Phần lớn các trại giam ở miền Bắc và miền Trung có diện tích đất hạn chế, phân tán nên khó khăn trong việc phát triển sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân. Vì vậy, lao động trong các trại giam chủ yếu chỉ làm nông nghiệp, chăn nuôi, "tự cấp, tự túc". Điều này khiến nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam.
Thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân, chủ yếu là gia công may mặc, hàng thủ công nghiệp, chế biến nông sản.... Cách thức này tuy thuận lợi cho việc quản lý phạm nhân vì lao động được tổ chức trong trại giam, nhưng chỉ có thể tập trung vào một số ngành lao động thủ công, giá trị thu nhập thấp. Nhà nước phải đầu tư lớn về nhà xưởng, máy móc, vì doanh nghiệp không được phép đầu tư trong trại giam. Do sản xuất trong trại giam, các trại khó thu hút được doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất.
Để tháo gỡ khó khăn trên, với sự đồng ý của chính quyền địa phương, 24 trại giam có tình hình an ninh trật tự tốt được Bộ Công an thí điểm cho phép lập "khu sản xuất" và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thành lập các "điểm lao động, dạy nghề" ngoài trại giam.
Các điểm này được thiết kế trong khuôn viên các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, có tường rào bao quanh, tách biệt khu dân cư. Phạm nhân được bố trí lao động trong phạm vi hẹp nên thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm lao động ngoài trại giam do đơn vị liên kết chi trả. Theo Bộ Công an, kết quả cho thấy trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có một người bỏ trốn.