(Baonghean) - Người già ở Huồi Cọ nói rằng: chưa ai trong bản được nhìn thấy ánh bình minh. Từ khi dân Huồi Cọ sinh sống trên đỉnh Phà Đánh này, bản làng đã chìm trong mây. Ông mặt trời chỉ xuất hiện trên những gùi ngô, gùi sắn vào cuối buổi chiều, khi bà con dân bản từ rẫy trở về. Cuộc sống của người Mông ở Huồi Cọ cứ lầm lũi như thế từ đời này sang đời khác… Cho tới một ngày, lũ trẻ đã xuống núi và cõng được con chữ về bản. Người Huồi Cọ nhận biết thêm: đây cũng là ánh sáng, là bình minh của bản Huồi Cọ.
Vượt qua 5 ngọn núi, hơn nửa ngày đi bộ, người Huồi Cọ xuống được trung tâm xã Nhôn Mai (Tương Dương). Trên con đường mòn này, chỉ những cây cổ thụ mới được chứng kiến bước chân của 2 cha con người Mông là Và Chia Chư và Và Bá Tủa cách đây nửa đời người. Bây giờ, Và Bá Tủa đã trở thành bác sỹ của Trạm Y tế Nhôn Mai, nhưng mỗi lần trở về bản thăm người thân, những cây ban cổ thụ lại níu anh trở lại với kỷ niệm xưa.
Ngày ấy, dân Huồi Cọ khổ đến nỗi mỗi đứa trẻ trong bản chỉ có 1 bộ quần áo, lúc tắm, chúng đành trần truồng như vậy lên tha thẩn trên nương rẫy cùng người lớn. Đến cái tuổi đôi bàn tay đã nhấc nổi con dao phát, chúng chính thức tham gia lao động cùng bố mẹ. Cuộc sống cứ lầm lũi như thế, từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Mọi liên hệ với cộng đồng dân cư ngoài bản Huồi Cọ gần như bị chia cách bởi dãy núi Phà Đánh và chặng đường xa tít. Nghèo khó đã khiến cho già trẻ, gái trai quanh năm đầu tắt mặt tối, lăn lộn với núi rừng, lo cho cái bụng được no. Nhưng no sao được khi đất làm rẫy cứ khô cằn dần, thú rừng cứ chạy dần vào rừng sâu. Những ngày giáp hạt, thiếu lúa ăn, người Mông ở Huồi Cọ phải ăn ngô, mèn mén cho qua bữa… Cái đói, cái nghèo như ngấm vào da thịt của cả cộng đồng dân cư nơi đây. Vì sao dân mình sống ở gần ông trời nhất mà vẫn đói khổ, người già ở Huồi Cọ nói rằng đó là do con ma trú ẩn dưới những đám mây trên đỉnh Phà Đánh. Vì dân Huồi Cọ ít thấy được ánh sáng mặt trời.
Cho tới một ngày, có một người đàn ông trong bản đã trèo đèo, lội suối, vượt rừng xuống tận Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) xa xôi. Đó là ông Và Chia Chư. Xuống vùng thấp, ra thị trấn Và Chia Chư nhận thấy người dân họ giàu có hơn đồng bào Mông ở Huồi Cọ, họ được ăn cơm ngon, được mặc áo đẹp. Ông tò mò tìm hiểu thì nghe người ta nói là nhờ cái chữ. Cái chữ là gì, ông không biết, nhưng nếu cái chữ đổi được lúa gạo cho gia đình ông, cho dân bản, ông phải tìm nó về. Vậy là Và Chia Chư lẫm lũi dắt tay con trai Và Bá Tủa đi hết 4 ngày đường, đi từ Huồi Cọ xuống Nhôn Mai rồi đem ra Hòa Bình, đến trường, xin thầy cô cho con học chữ. Và Chia Chư tâm sự: “Thầy, cô giáo cũng rất thương và quan tâm đến thằng Bá Tủa. Sau này cho nó đi học ở tận dưới tỉnh, nó thành bác sỹ. Bây giờ thì cuộc sống khác trước rồi. Bá Tủa không nghèo đói nữa, dân bản Huồi Cọ cũng đã khác xưa. Ta rất vui”.
Và Bá Tủa trở thành bác sỹ sau hơn 16 năm lặn lội đi tìm con chữ. Anh lấy con chữ, lấy kiến thức để chữa bệnh cho đồng bào Mông, anh đuổi con ma ốm trong người bệnh giỏi hơn thầy cúng. Bá Tủa mà giỏi hơn cả thầy cúng thì dân bản phải suy nghĩ lại thật. Kể ra học chữ đến 16 năm thì cũng lâu, nhưng Bá Tủa có chữ rồi, bố mẹ anh dựng được thêm nhà mới, nuôi được thêm trâu, bò, con của Bá Tủa có nhiều quần áo để mặc hơn dân bản. Vậy là 1 người, 2 người trong bản hỏi Bá Tủa cách học chữ.
Tin Và Bá Tủa đi học và thành tài được người Mông ở Huồi Cọ truyền tai nhau. Dòng họ Và mừng lắm, ai cũng tự hào vì bản trên, bản dưới có người nào được như thế đâu. Lũ trẻ người Mông bắt đầu mong mình được như anh Tủa. Người lớn ở Huồi Cọ nghĩ: Học thì lâu, mất công một tí nhưng phải học, phải cho con đến trường mới thay đổi được cuộc sống, nếu không chúng nó cũng sẽ khổ như bố mẹ. Người Huồi Cọ vào rừng lấy gỗ về dựng lớp, dựng trường đón thầy cô về bản dạy chữ. Số lượng con em tới trường ngày càng đông. Ban ngày trẻ con học, đêm về người lớn thắp đèn lên lớp học xóa mù. Quyết không để thua lũ trẻ, người lớn cũng phải học. Có hôm thì thầy giáo đứng lớp, có hôm bộ đội biên phòng cắm bản lại tham gia dạy chữ cho bà con. Học chữ khó hơn cầm con dao phát rẫy, khó hơn cầm cung tên bắn thú rừng nhưng ai cũng thấy vui vui. Không học chữ, không biết tiếng phổ thông xấu hổ lắm.
Bây giờ, Nhà nước đã mở thêm con đường để đi lại dễ hơn trước. Nhiều tấm gương quyết tâm học chữ đã xuất hiện ở bản Huồi Cọ. Trưởng bản Huồi Cọ, anh Và Khua Đớ là một điển hình như thế. Giờ đây, khi có cái chữ, đời sống của gia đình anh cũng đã thay đổi. Nghị quyết chuyên đề sinh hoạt Chi bộ, Khua Đớ và các đảng viên trong chi bộ tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc học tập của con em Huồi Cọ. Trưởng bản bao giờ cũng xem việc học tập của các em nhỏ là hàng đầu. Bởi 10 năm trước đây, chính anh là người từng vượt qua mọi mặc cảm để cùng 2 con xuống trọ học tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nhôn Mai. Hiếm có người Mông nào lại ham học chữ như anh. Và Khua Đớ tươi cười chia sẻ: “Mình cũng thấy xấu hổ nhưng họ cho vào lớp thì cứ vào. Biết chữ cho mình thôi mà, không phải học cho họ, nên rầy bao nhiêu cũng phải vào lớp để biết chữ cho mình, để về giáo dục địa phương mình thôi, để mình biết làm ăn, sinh sống ở địa phương thôi. Học ít thì sẽ không làm được gì cả”. Đó không chỉ là câu nói của người Trưởng bản gương mẫu Và Khua Đớ mà còn là suy nghĩ của các hộ dân sinh sống tại bản làng nghèo khó, quanh năm mây phủ trên đỉnh Phà Đánh. Thế nên, với học sinh người Mông ở Huồi Cọ hôm nay, hết cấp học tiểu học, các em lại khăn gói lên đường, xuống trung tâm xã học tiếp bậc THCS. Và như thấu hiểu tấm lòng của người lớn, dù đường xa và khó nhọc, dù gia đình nghèo nhưng các em vẫn kiên trì đến trường. Những ngày cuối tuần, từng tốp học sinh THCS trở về thăm bản rồi sáng thứ hai đầu tuần, người ta lại thấy các em xuôi xuống dốc núi, hăm hở mang theo bao gạo, bó rau cải nương. Tất cả những cái đó là sự gói ghém những ước mơ cho cuộc sống phía trước.
Giờ đây, trường lớp đã khang trang hơn trước. Học sinh các dân tộc theo học tại Trường PTTH bán trú cơ sở Nhôn Mai đã có điều kiện học tập hơn hẳn thế hệ cha anh của các em những ngày còn trọ học trong nhà tranh tre nứa lá. Tuy nhiên, so với điều kiện sinh hoạt và học tập của học sinh miền xuôi thì có lẽ chẳng bao giờ các em dám mơ ước. Bên bếp lửa chập chờn mỗi buổi sáng mai, các em học sinh người Mông ở Huồi Cọ là chụm đầu thổi cơm và thưởng thức món ăn quen thuộc là cơm trắng chan nước lã và muối. Thế mới thấy, nỗ lực của các em phi thường đến mức nào. Trong hành trình đi tìm con chữ, học sinh Huồi Cọ đã viết nên những kỳ tích cho Trường PTTH bán trú dân tộc cơ sở Nhôn Mai. Chỉ mới năm ngoái thôi, 2 nữ học sinh lớp 9 người ở bản Huồi Cọ đã vượt qua hàng chục ngàn học sinh cùng khối trong toàn tỉnh để được về Thành phố Vinh tranh tài môn Địa lý cùng hàng trăm học sinh giỏi tỉnh Nghệ An. Đó là Và Y Dí và Và Y May.
Cũng trên hành trình đến lớp, nhiều học sinh ở Huồi Cọ đã xuống thị trấn, về thành phố để tiếp tục theo học chương trình THPT. Nửa ngày đi bộ, nửa ngày đi thuyền và xe khách các em tới trường. Cuộc sống của các em đâu chỉ gặp khó khăn bởi chặng hành trình từ nhà tới trường hàng trăm cây số ấy. Tiếp xúc với các bạn học là người các dân tộc khác và đặc biệt là người Kinh, các em thua kém mọi bề. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt đến gốc đào tạo từ tấm bé… học sinh người Mông bao giờ cũng là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nhưng có lẽ lại chẳng có ai có quyết tâm lớn như các em. Bởi vậy, dù sống và học tập trong môi trường mới, học sinh Huồi Cọ vẫn giành được nhiều thành tích tốt trong học tập. Thấu hiểu được sự vất vả, khó nhọc của bố mẹ trong chặng đường nuôi con ăn học, các em học sinh Huồi Cọ luôn là những người chăm ngoan, cần cù và rất tự tin.
Người lớn ở bản Huồi Cọ hiểu rõ ước mơ và quyết tâm của con em mình nên cũng đã dành hết tâm sức, đổ hết mồ hôi để nuôi con ăn học. Những bước chân lầm lũi vào rừng, những bế củi oằn lưng đã suốt đời làm họ đói khổ. Bây giờ cả bản làng sẽ hết đói, hết nghèo nếu mỗi người gắng sức thêm tí chút nữa. Sự thực ở Huồi Cọ đã chứng minh rằng: Chỉ có con đường đi tìm con chữ mới là con đường duy nhất để người Mông ở Huồi Cọ thoát nghèo. Bởi thế mà ở bản, như gia đình Và Chia Xa, mặc dù 2 vợ chồng quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng đến nay con cái đã học tập rất tốt. Hiện tại, 2 con đầu của ông đang theo học đại học.
114 học sinh ở Huồi Cọ trong độ tuổi đi học đều đã được đến trường. Trong số đó có 10 em hiện đang học đại học, 4 em học các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Một bản làng chỉ có 42 hộ dân sinh sống với hơn 290 nhân khẩu thì có lẽ con số này là minh chứng rõ ràng nhất của đồng bào Mông ở Huồi Cọ về tinh thần hiếu học và khả năng vượt khó phi thường của các em. Người lớn nhịn ăn, nhịn mặc, bán trâu, bò, gà, lợn để lấy tiền nuôi con ăn học. Cả bản đã hình thành được một quỹ khuyến học để hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh nghèo. Bất cứ một gia đình nào trong bản có con em học tập tốt, đều nhận được sự quan tâm hỗ trợ của cả cộng đồng. Bản Huồi Cọ đã trở thành bản làng tiêu biểu của người Mông ở Nghệ An về phong trào khuyến học, khuyến tài. Anh Và Già Xua, Bí thư Chi bộ bản Huồi Cọ cho biết, năm học 2014 bản có 2 em thi đại học, năm nay có 3 em thi, hiện nay cả bản đang chờ tin vui. Còn ông Kha Dương Tiến – Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai nói rằng, người dân bản Huồi Cọ đã xây dựng được một phong trào học tập rất tốt. Các gia đình noi gương nhau, các học sinh cũng thi đua học tập. "Đây thực sự là điều đáng tự hào.
Tuy nhiên, vẫn còn đó vô vàn khó khăn khi người dân Huồi Cọ theo đuổi khát vọng đến trường. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, nhiều sinh viên Huồi Cọ đã phải bỏ dở giảng đường đại học. Một cán bộ bản Huồi Cọ cho biết, đã có một số con em Huồi Cọ bỏ học về làm nương. Ngay như con trai anh là Và Bá Cò đang học năm thứ 3, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Vinh đã phải bỏ giữa chừng vì gia đình khó khăn quá. Đó cũng là điều đáng để các ban, ngành quan tâm, giúp đỡ.