(Baonghean) - Chính trường Thái Lan những năm qua liên tục dậy sóng, các đảng phái chính trị luôn cố tình tìm cách “đấu đá” nhau bằng việc lôi kéo những người theo đảng mình biểu tình nếu có cơ hội. Và lần này cũng vậy, sau khi chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra thông qua dự luật ân xá chính trị gây tranh cãi với 310 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 4 phiếu trắng. Ngay lập tức, làn sóng chống lại chính phủ lại bùng phát dữ dội, làn sóng chống chính phủ ngày càng lớn khi Suthep Thaugsuban – một chính trị gia đã từ chức đứng làm thủ lĩnh đưa cuộc biểu tình trở nên tồi tệ nhất trong những năm qua.
Ngay khi bà Yingluck Shinawatra trở thành người đứng đầu chính phủ Thái Lan, giới quan sát đã không khỏi quan ngại khi bà chính là em gái của thủ tướng Thaksin Shinawatra – người đã bị lật đổ vì cáo buộc tham nhũng và đang phải sống lưu vong ở nước ngoài. Mặc dù vậy, với cương vị là thủ tướng, bà đã tạo được niềm tin lớn với đa số người dân khi dần lãnh đạo đất nước Thái Lan trở nên ổn định (cả về kinh tế và chính trị) với những cuộc cải tổ mạnh mẽ. Nhưng như chúng ta vẫn thường nói “sai một ly, đi một dặm”, sau khi thông qua dự luật ân xá cho tội danh chống tham nhũng – một dự luật được coi như là cánh cửa để anh trai bà - cựu thủ tướng Thaksin quay về nước (mặc dù là thủ tướng đã bị lật đổ và đang phải sống lưu vong ở nước ngoài nhưng ông vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn với chính trường Thái Lan).
Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng biểu tình chống chính phủ bùng phát mạnh mẽ nhất kể từ khi bà lên làm thủ tướng đến nay. Còn một nguyên nhân sâu xa hơn mà người ta luôn xem đó là những cơn sóng ngầm luôn cuộn chảy âm ỉ trong lòng những người dân ở đất nước Triệu Voi mà mỗi khi có cơ hội nó lại bùng phát. Đó là còn sự chia rẽ xã hội sâu sắc ở nước này giữa một bên là đông đảo người nghèo sống ở nông thôn và bên kia là tầng lớp thượng lưu giàu có sống ở các đô thị. Và đây được coi là căn nguyên của các cuộc biểu tình ở Thái Lan từ trước tới nay (xin nói thêm, ở cuộc chính biến lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006 của Quân đội Hoàng gia Thái Lan, mặc dù bị coi là tham nhũng nhưng ông Thaksin lại được đông đảo người nghèo ủng hộ vì những chính sách của ông mang lại làm lợi cho họ). Có thể nói, nguyên nhân tất cả các cuộc biểu tình đều là sự tranh giành lợi ích giữa một bên là phe áo vàng Liên minh nhân dân vì dân chủ PAD và phe áo đỏ ủng hộ anh em nhà Thaksin.
Tháng 8/2013, Chính phủ Thái Lan giới thiệu dự thảo luật ân xá bao gồm các tội phạm chính trị từ cuộc đảo chính 2006, trừ các nhà lãnh đạo. Dự luật này đã được duyệt thông qua vòng sơ thẩm. Ngay lập tức, dự thảo gặp phải phản ứng của những người chống chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, những cuộc biểu tình đường phố với quy mô nhỏ diễn ra ở nhiều nơi. Đến ngày 1/11, Hạ viện tiếp tục thông qua dự thảo luật ân xá đã được sửa đổi để bao gồm trong đó có cả các lãnh đạo chính trị (bao gồm cả Thaksin).
Mặc dù đây được coi là động thái nhằm xoa dịu bất đồng sâu sắc xung quanh dự luật, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để các chính trị gia phe Liên minh dân chủ vừa lòng. Họ phản ứng bằng cách bỏ giữa chừng cuộc họp ra về, sự việc này đã đẩy chính trường Thái Lan vốn dĩ đã căng thẳng lên một nấc thang mới. Những cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra dày đặc hơn và quy mô của nó cũng theo đó tăng lên. Trong khi làn sóng biểu tình đang dâng cao thì Tòa án hiến pháp cho rằng các nhà làm luật của đảng cầm quyền đã ban hành bất hợp pháp khi thông qua một dự luật cho phép chính phủ sửa đổi hiến pháp. Điều này đã củng cố khí thế chống chính phủ của những người thuộc phe đối lập.
Trong tình thế mà rất nhiều người dân xuống đường (đỉnh điểm là ngày 24/11 có tới hơn 100.000 người) thì ông Suthep Thaugsuban - một người “quỷ kế đa đoan” và có tầm ảnh hưởng lớn với đảng Dân chủ trong nhiều năm trở lại đây, người đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bộ trưởng Nông nghiệp và Viễn thông, Phó Thủ tướng... tuyên bố từ chức để đứng ra lãnh đạo cuộc biểu tình. Từ khi Suthep Thaugsuban làm thủ lĩnh, các cuộc biểu tình diễn ra ngày một căng thẳng, Suthep kêu gọi bà Yingluck từ chức, thay chính quyền dân cử bằng một hội đồng không qua bầu cử. Suthep còn mạnh miệng tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực và chết cho trận chiến chính trị này. Suthep còn mị dân với những lời nói như: "Chúng tôi thích phương pháp hòa bình. Nhưng nếu không thành công, tôi sẵn sàng chết trên chiến trường. Người dân sẽ không từ bỏ cho đến khi quyền lực nhà nước nằm trong tay của họ”.
Một cuộc biểu tỉnh ở Thái Lan
Các cuộc biểu tình diễn ra liên miên và kéo dài với quy mô lớn hơn, manh động hơn. Ngày 2/12, những người này còn tìm cách xông vào văn phòng thủ tướng khiến cảnh sát phải can thiệp. Để làm dịu tình hình, ngày 3/12, chính phủ của bà Yingluck Shinawatra đã ra lệnh cho cảnh sát dỡ bỏ hàng rào xung quanh văn phòng thủ tướng và điều này cũng có tác dụng khi bầu không khí u ám mà những người biểu tình tạo ra đã tạm lắng xuống. Đây được cho là một quyết định khôn ngoan của nữ thủ tướng xinh đẹp vì đến ngày 5/12 là ngày sinh nhật của Quốc vương Thái Lan, giải pháp làm dịu tình hình cũng là cơ hội để chính phủ của bà nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Quốc vương và mọi thành viên trong hoàng gia - những người vẫn luôn tin tưởng bà trong các quyết định điều hành đất nước. Động thái này cho thấy bà Yingluck Shinawatra mặc dù chịu rất nhiều sức ép nhưng việc những người biểu tình yêu cầu bà từ chức cũng như yêu cầu thành lập một “hội đồng nhân dân” thì họ vẫn chưa đạt được và cũng chưa có một dấu hiệu nào cho thấy bà sẽ từ chức.
Ngày 9/12, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bất ngờ tuyên bố giải tán hạ viện và đề xuất tổ chức bầu cử vào ngày 2/2/2014. Tuyên bố giải tán Quốc hội của bà Yingluck được đưa ra trong bối cảnh biển người biểu tình đang dồn về tòa nhà chính phủ và đây là lần thứ hai Thủ tướng Thái Lan có những hành động nhân nhượng nhằm giải tỏa sức nóng của người biểu tình. Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, bà Yingluck nói: “Ở giai đoạn này, khi mà nhiều người phản đối chính phủ đến từ nhiều nhóm khác nhau, cách tốt nhất là chuyển giao lại quyền lực cho người dân Thái và tổ chức bầu cử. Mặc dù vậy, tình hình căng thẳng vẫn chưa lắng xuống khi yêu cầu của những người này là phải loại bỏ hoàn toàn chế độ Thaksin.
Mặc dù phe đối lập đã đạt được nhiều kết quả mà họ mong muốn nhưng để hoàn toàn theo yêu cầu của họ thì có thể khẳng định là không thể, những yêu cầu này bị đa số các chuyên gia luật pháp tại Thái Lan cho là vi hiến bởi không có một điều khoản nào trong Hiến pháp 2007 cho phép lập một hội đồng như vậy và Hiến pháp cũng nói rõ rằng Thủ tướng sẽ tạm thời giữ chức vụ cho tới cuộc bầu cử mới...
Chưa biết tình hình khủng hoảng ở Thái Lan sẽ đi về đâu nhưng những thiệt hại về kinh tế thì không thể tránh khỏi. Các nhà đầu tư đã không còn mặn mà với môi trường đầu tư vì chính trị bất ổn ở quốc gia này rất không ổn định. Và một đất nước mà ngành du lịch phát triển vào bậc nhất so với các quốc gia trong khu vực Asean, mỗi năm thu nhập từ ngành công nghiệp không khói này đem về hàng tỷ đô la và nhiều triệu việc làm thì sự thiệt hại do bất ổn chính trị hiển hiện rõ. Nhiều nước khuyến cáo người dân không nên đến quốc gia này. Đây là bài học cho những quốc gia có nhiều đảng phái chính trị, nhiều tất sẽ có những mâu thuẫn về lợi ích. Nếu những lợi ích không được dung hòa, nếu những kẻ tập hợp bằng cách nào đó chiếm được lòng tin của một số người dân thì nguy cơ rơi vào những cuộc khủng hoảng tương tự là vô cùng lớn. Và hậu quả của nó là không thể lường trước được. Ai được gì, mất gì vẫn chưa thể tính toán được. Nhưng việc những người dân bỏ công việc đi đấu tranh đòi quyền lực cho những người này, hay đảng nọ để thực hiện các cuộc biểu tình, bạo động thì việc họ mất nhiều thứ là không thể tránh khỏi.
Cảnh Nam