(Baonghean) - Tuần cuối tháng 5, loạt bài 5 kỳ “Ngư dân Nghệ An vươn khơi bám biển” đăng trên Nghệ An nhật báo dường như đã đưa được “luồng gió biển” mát lành đến với người đọc giữa bộn bề sự kiện “nóng” tháng 5. Đây cũng là tác phẩm được bình chọn bài hay của tuần với số phiếu cao nhất.
 
Loạt bài được nhóm phóng viên báo nhà thực hiện và chuyển đến bạn đọc ngay trên những chặng đường “theo chân” các ngư dân Nghệ An đi đánh cá ở Vịnh Bắc bộ. Qua chuyến đi của tàu cá NA 90686TS, tác giả đã “dựng” được hình tượng ngư dân Nghệ An trong lao động sản xuất.
 
images1175025_images1172295_a12___ngu_d_n_x__qu_nh_long_d_nh_v_y_tr_n_v_nh_b_c_b_.jpgNgư dân xã Quỳnh Long đánh vây trên Vịnh Bắc bộ.
Khác hẳn với cuộc sống mưu sinh nơi đất liền, ngư dân mỗi lần đi biển là một lần đánh cược với số phận, cuộc đời. Giữa biển khơi bao la, những con tàu đánh cá dập dềnh chống chọi với sóng bạc, với mưa bão cuồng phong có thể ập đến bất cứ lúc nào,… Ấy vậy mà, trên những con tàu ấy lại luôn thường trực những trái tim hồng luôn cháy rực tình yêu với biển trời Tổ quốc, với “tiếng gọi thân thiết của trùng dương”, với nghề nghiệp cha truyền con nối…
 
Nếu nơi đất liền, nông dân gắn bó với ruộng nương, cày bừa cấy hái, quanh năm nông vụ chí kỳ, ngày làm đêm nghỉ; thì ngư dân lại gắn bó với biển xanh và những con sóng bạc đầu. Chỉ có điều, bấp bênh hơn nhiều, như thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm của tàu NA 90686TS Trần Xuân Khai đúc kết: “Người nông dân trên đồng ruộng có thể nghỉ ngơi lúc họ muốn, mưa gió sấm chớp thì họ có chỗ đặt chân hoặc tìm nơi an toàn trú ẩn. Người đi biển thì khác, phải chấp nhận mọi rủi ro và luôn sẵn sàng đối diện, đương đầu với tất cả những điều nghiệt ngã nhất mà số phận định đoạt cho cái nghiệp của mình”. Ý rằng “sinh nghề tử nghiệp”. Và đối với ngư dân Nghệ An, cái sự “tử vì nghiệp” ấy đã xảy ra với nhiều người, nhiều gia đình,…
 
Nhưng điều đó không làm cho những “trái tim hồng” phai nhạt màu đam mê trước “biển gọi”. Họ là những “kình ngư”, những “sói biển” vững vàng tay lưới với tâm niệm đi biển là cái nghề “cha ông mình để lại, mình phải giữ; biển của mình, mình cứ đánh bắt, sợ chi ai”. Ấy là “ông tổ” ngề vây Minh Lừng, là Trần Xuân Khai, là Nguyễn Văn Sớm, Nguyễn Văn Hùng,… Họ là những anh hùng biển cả, tuổi đời nhiều người dù đang ở thế hệ 8x, 9x nhưng đã sớm say nghề, thạo nghề. Như Trần Xuân Khai, được bà con ví là “thợ săn thiện chiến” trên biển, 17 tuổi đã cầm lái cả con tàu 500 sức ngựa, “sớm sành sỏi nghề vây và rành con tàu hơn cả lòng bàn tay mình. Từng mũi dây, mắt lưới, từng sợi cáp, cần nâng, rồi hướng gió, chần sao, ngửi mùi sóng,… đều nằm trong tầm kiểm soát của anh”. Mà tất cả những kinh nghiệm, kỹ năng “thiện chiến” ấy của một ngư dân không thể học đâu ngoài thực tế trên biển, cộng với đam mê và lòng dũng cảm. 
 
Giữa biển xanh sóng bạc, ngoài đam mê lao động, họ còn là những tấm gương ngời sáng về sự đoàn kết, nghĩa tình, như thuyền trưởng Trần Xuân Khai cho biết: “Trên biển, anh em phải tương trợ, chia sẻ thông tin cho nhau. Đây không chỉ là nguyên tắc mà còn là trách nhiệm”, như là “luật” bất thành văn của anh em ngư dân vậy. Buôn có bạn, bán có phường, nhất là giữa trùng dương sóng dữ lại càng cần sự đoàn kết, tương trợ. Đó là chưa kể khi có sự xâm lấn chủ quyền của các thuyền lạ, “luật” ấy lại càng phải phát huy hơn bao giờ hết.
 
Kết thúc chuyến hải trình với ngư dân Quỳnh Lưu, tác giả đã “tô” thêm cho hình tượng ngư dân làng biển quê mình những những màu sắc đầy hi vọng và tươi sáng. Đó là sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, của Đảng và Nhà nước ta trong việc vươn lên trang bị thuyền to máy lớn cho ngư dân. Bên cạnh đó còn là sự phát triển của các dịch vụ hậu cần nghề cá; trang bị các kiến thức pháp luật về biển đảo… Đặc biệt nữa là những lá cờ Tổ quốc. “Tàu cá nào của ta cũng chuẩn bị rất nhiều cờ. Quê hương lúc nào cũng ở bên, Tổ quốc lúc nào cũng hiện diện…”. Đó cũng chính nguồn tiếp sức, là động lực tinh thần to lớn cho những trái tim hồng trên biển luôn căng tràn nhựa sống, vững tâm chinh phục và gìn giữ biển trời Tổ quốc.
 
Người xây dựng