(Baonghean) - Sinh thời, Bác Hồ - người rất quan tâm và bồi dưỡng thế hệ trẻ từng nói: "Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Bài viết "Lăng kính trẻ thơ" của tác giả Hải Triều đã góp thêm một vấn đề đáng suy nghĩ về câu nói của Bác kính yêu.
TIN LIÊN QUAN
Vốn dĩ, trẻ em là những người chưa thể định hình nhân cách sống bởi lứa tuổi còn quá nhỏ, chưa nhận thức về lối sống, hành vi cũng như những ứng xử xã hội. Nói cách khác, các em là tờ giấy trắng. Người lớn giáo dục điều gì hoặc hướng dẫn việc nào đó đều là những nét bút khó mờ phai trên tờ giấy đó. "Lăng kính trẻ thơ" mà tựa đề bài viết đặt ra mang một phần nào ý nghĩa đó. Câu chuyện mà tác giả Hải Triều nêu ra ở đây là 2 em bé, lứa tuổi lớp 1 và 2 bị mẹ "nhốt" trong chiếc ô tô đóng kín kính cửa. Đến nỗi, những người bán hàng ngay cạnh đã phải cố gắng tìm cách đưa nước và trái cây cho 2 bé.
Vấn đề này không mới ở Việt Nam, bởi chính từ kỹ năng sống của chính các vị phụ huynh. Họ vẫn chưa đủ kỹ năng để rèn luyện cho con cái mình tự tìm cách ứng phó với nguy hiểm - điều tối cần thiết để cho các bé lớn lên hòa nhập với cuộc sống. Một ví dụ nhỏ đăng trên báo Nhân Dân cuối tháng năm 2013, trong bài viết về giáo dục, nhà nghiên cứu Đinh Văn Giang đã viết "Nếu như ở Việt Nam, trẻ em tiểu học được giảng dạy rất nhiều về giáo dục công dân, về những bài toán đố khó hiểu thì ở Nga chẳng hạn, một phần lớn các giờ ngoại khóa đều dành để giảng dạy về khả năng tự cứu mình và tự ứng phó trước những tình huống bất thường".
Tác giả viết về hiện tượng trên như sau: "Trên báo chí, đã đưa tin về không ít trường hợp trẻ em tử vong vì mất nước, bí hơi do bố mẹ cho ngồi lại trong xe ô tô đóng kín cửa quá lâu. Đó là chưa kể đến những rủi ro khi để cho trẻ em ở một mình mà không có người lớn theo dõi, quan sát". Như vậy, ngay chính kỹ năng sống của bố mẹ cũng chưa được trang bị đầy đủ, nói gì để vẽ nên tờ giấy trắng - con cái của mình? Tác giả Hải Triều đã viết tiếp "Với suy nghĩ: mình làm được, bọn trẻ cũng làm được, chúng ta quên mất rằng trẻ em chưa hoàn thiện cả về tư duy lẫn thể chất. Vậy nên không thể đánh giá, nhận định sự an toàn hay rủi ro đối với trẻ em dựa trên thang đánh giá của người lớn". Vậy vấn đề ở đây là gì? Thứ nhất, đó là các bậc phụ huynh hãy dành chút thời gian đọc hoặc truy cập tài liệu nhằm đầu tiên trang bị kiến thức làm cha, làm mẹ an toàn (an toàn không phải cho cha mẹ, mà cho những 'búp trên cành" của mình). Thứ 2, hãy bắt tay ngay vào việc trang bị cho con cái mình những hiểu biết về việc giáo dục một số kỹ năng sinh tồn (survival skill) hay kỹ năng sống cơ bản. Bởi như tác giả đã nói "Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ em xuất phát từ sự vô tâm của người lớn".
Xét đến cùng, cần đặt cái nhìn của người lớn bằng chính "lăng kính" của trẻ. Hãy lắng nghe và thấu hiểu trẻ bằng cả trái tim lẫn sự quan tâm ân cần. Trong đó, như tác giả bình luận: "Đồng thời, cũng cần trang bị cho trẻ những kỹ năng tự lập và tự bảo vệ cần thiết, nâng cao "sức đề kháng" tự nhiên của trẻ trước môi trường sống có nhiều nguy cơ, rủi ro". Bởi thí dụ như, ngay từ kỹ năng tự phục vụ. Ở trường mầm non, trẻ đã được rèn luyện. Lên tiểu học, học bán trú, nhiều trường tổ chức cho các em tự sắp xếp bàn ghế, lấy thức ăn, quét dọn lớp, sắp xếp chỗ ngủ trưa... Các em đều hoàn thành tốt. Tuy nhiên, khi về nhà, nhiều phụ huynh xót con đi học nhiều nên về nhà lại không cho làm gì cả. Tương tự, một số kỹ năng khám phá cuộc sống, kỹ năng giải quyết các sự cố thường ngày cũng đã được dạy phần nào trong nhà trường nhưng không ít phụ huynh lại rất cẩn thận và lo xa, giữ chặt con trong nhà nên những gì được học cũng không có cơ hội vận dụng và mai một dần.
"Búp trên cành" có trở thành cây măng mọc thẳng, tự tin được với cuộc đời rộng dài mai sau hay không, bố mẹ hãy nhìn bằng lăng kính của các em!
Người xây dựng