Tại cuộc làm việc, UBND tỉnh báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Đồng thời, UBND tỉnh đề xuất với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với Chính phủ cần sớm nghiên cứu ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 14/2014/NĐ- CP ngày 4/4/2014 và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 của Chính phủ về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Khi ban hành nghị định mới Chính phủ nên quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với tình hình, đặc điểm cụ thể của từng địa phương.
Tỉnh đề xuất với Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn cho một số dự án, công trình trọng điểm như: dự án tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An); Dự án đầu tư xây dựng đường Mường Xén - Ta Đo – Khe Kiền.
Theo báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp 38 ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An gửi đến Chính phủ, Bộ, ngành. Các nội dung kiến nghị tập trung ở một số lĩnh vực như: chính sách cho người có công, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc ít người, vùng miền núi vùng sâu vùng xa, phủ điện lưới quốc gia đến các địa bàn miền núi của tỉnh...
Đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận 22 văn bản trả lời của các Bộ, ngành và chuyển đến các huyện, thành, thị để cử tri được biết. Còn tại kỳ tiếp xúc cử tri trước họp thứ 8 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp được 20 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương.
Nêu cao trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị của người dân
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao sự phối hợp giữa UBND tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội. Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành cử đại diện tham gia tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, qua đó đã giải đáp trực tiếp được nhiều kiến nghị cử tri quan tâm. Đây là dịp để cán bộ các sở, ngành đi cơ sở tiếp xúc với dân để có thêm kênh để nắm bắt thông tin về ngành mình.
Liên quan đến công tác xây dựng các bộ luật, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành chủ động, tham gia đóng góp ý kiến, có trách nhiệm trong việc xây dựng, sửa đổi luật khi ban hành, triển khai luật phù hợp thực tiễn cuộc sống.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, đối với những vấn đề liên quan đến người dân thì các sở, ngành cần phải đặc biệt quan tâm giải quyết kịp thời. Như vấn đề liên quan đến đất đai, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nội dung được cử tri kiến nghị nhiều. Vì vậy, ngành Tài nguyên và Môi trường cần có đội ngũ cán bộ chuyên sâu làm tốt chức năng tư vấn, hướng dẫn, đồng thời rà soát hoàn thiện cơ chế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo kịp thời minh bạch và hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành nghiên cứu kỹ xây dựng kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội cho 5 năm tới làm cơ sở định hướng và tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá: Nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri và của tỉnh đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu, tổng hợp kiến nghị chuyển tải đến các Bộ, ban, ngành, Chính phủ, Quốc hội. Trong đó, có nhiều chính sách được ban hành, một số dự án đã được đưa vào danh mục bố trí nguồn vốn đầu tư từ Trung ương.
Đối với tham gia xây dựng pháp luật, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo sở, ngành tham gia có trách nhiệm, góp phần đưa luật vào cuộc sống sát với thực tế; tham gia các cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
“Các sở, ngành cần phải hết sức có trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể hơn, thể hiện rõ quan điểm giải quyết hay không giải quyết được và thời gian nào có kết quả. Tránh trường hợp trả lời chung chung, giải trình vòng vo, không đúng trọng tâm”-Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành rà soát chuẩn bị các nội dung phục vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với các bộ, ngành sắp tới.