(Baonghean) - Lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư, tìm giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đầu tư tại Nghệ An là nội dung tại cuộc làm việc giữa  đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh với UBND tỉnh và các nhà đầu tư ngày 29/5.  Đây cũng là một bước cụ thể hóa cam kết trong hội nghị thu hút đầu tư hồi đầu năm của lãnh đạo tỉnh đối với các nhà đầu tư.

Nhận diện lại vướng mắc 

Những năm gần đây, Nghệ An khá khởi sắc về thu hút đầu tư với nhiều nhà đầu tư  lớn cùng các dự án công nghiệp quy mô. Điều đó khẳng định Nghệ An đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trên điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, chi chưa đáp ứng nhu cầu, Nghệ An vẫn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, điện, sân bay... để các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong sản xuất và kinh doanh tại Nghệ An. Riêng hạ tầng khu công nghiệp, 5 năm qua Nghệ An đã dành 21.254 tỷ đồng đầu tư.

Sự nỗ lực đó đã được “đền đáp” bằng nhiều dự án lớn đã về với Nghệ An trong đó có 10 dự án được lãnh đạo tỉnh quan tâm làm việc dịp này gồm: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Khu công nghiệp WHA Hermaraj, Nhà máy xi măng Sông Lam, Trạm nghiền xi măng và Cảng biển Vissai;  Khu du lịch hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau – Thanh Chương, Trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Quỳ Hợp,  Dự án Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững tại Nghệ An, Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp; Vùng nguyên liệu Nhà máy chế biến gỗ MDF...

1499007469384.jpgHạ tầng Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An đã được đầu tư hoàn chỉnh. Ảnh: Châu Lan

Đây là các dự án lớn đã đang triển khai tại Nghệ An, có tác động lớn đối với kinh tế xã hội và liên quan nhiều đến đất đai, đời sống hàng ngàn người dân vùng dự án. Các dự án này cũng thường xuyên được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành; tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan có, chủ quan có, đến nay vẫn còn những vướng mắc chậm được tháo gỡ.

Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An hiện đã GPMB 176.76ha. Trong đó Khu công nghiệp và khu kỹ thuật 13,1ha, gồm  KCN 125 ha (Hưng Tây); Khu kỹ thuật 8,3 ha (Hưng Chính), khu đô thị 43,38ha. Diện tích chưa GPMB 3,9 ha, công tác GPMB theo nhà đầu tư vẫn chậm. Đại diện nhà đầu tư VSIP Nghệ An cho biết, một số vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm như vướng các hộ dân tại xóm Nam Phúc Long, xã Hưng Tây xâm canh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Hưng Chính hiện chưa xác định xong nguồn gốc đất các hộ xâm canh... Dự án cũng gặp khó khăn khi thu hút đầu tư các dự án lớn vào Khu công nghiệp. Đến nay mới có 10 dự án đăng ký vào đầu tư, trong đó có 3 khách hàng đang triển khai xây dựng nhà máy (TĐV, NANOCO, ICEM) và khách hàng đầu tiên (TĐV) dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 7/2016.

Tại cuộc làm việc, nhà đầu tư Thái Lan đại diện cho Công ty WHA Hemaraj Nghệ An cũng báo cáo lại dự án, thông qua quy hoạch chi tiết. Dự kiến trước ngày 10/7/2017, quy hoạch chi tiết khu công nghiệp 148ha sẽ được phê duyệt. Chủ đầu tư cho biết: Đến cuối tháng 9/2017 sẽ hoàn thành công tác bồi thường GPMB. Khó khăn của nhà đầu tư là mỏ đất đang là rừng phòng hộ và hiện đang được phối hợp với các ban, ngành để xin chuyển đổi mục đích sử dụng mỏ đất để có thể san lấp mặt bằng khu công nghiệp.

Về 3 dự án của Tập đoàn TH thì lại đang gặp nhiều khó khăn. Dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững tại Nghệ An” của Công ty CP Dược liệu TH là một dự án triển khai đã lâu từ 2013, trong đó diện tích đất thuê là 3.455,71 ha và diện tích đất liên doanh, liên kết là 11.359 ha trên địa bàn 11 huyện, thị xã: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Yên Thành... hiện đang gặp khó khăn trong làm thủ tục thuê đất Trại dược Mường Lống (đã hoàn thành mua tài sản trên đất, tiếp nhận lao động nhưng kéo dài 4 năm chưa được thuê đất) và bồi thường GPMB tại Tổng đội TNXP 6 - XDKT Nghệ An.

Đối với Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghĩa Đàn có quy hoạch vùng nguyên liệu được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích 43.973,5ha, trong đó dự kiến diện tích thuê đất trồng rừng 10.551,1ha và diện tích liên doanh liên kết với các hộ gia đình, tổ chức trồng rừng là 33.422,4ha, trên địa bàn 13 huyện, thị xã. Chủ đầu tư kiến nghị đề xuất thành lập khoảng 100 hợp tác xã lâm nghiệp. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Tỉnh đoàn, BCH Lực lượng TNXP, các sở, đơn vị liên quan sớm giải thể xong Tổng đội TNXP 3 - XDKT Nghệ An tạo điều kiện cho Công ty CP Đầu tư Phát triển Nguyên liệu TH vùng Phủ Quỳ đi vào hoạt động có hiệu quả...

Tại Yên Thành, Công  ty CP Đầu tư Phát triển nguyên liệu TH vùng Đông Bắc Nghệ An đã thực hiện xong việc chi trả cho các đối tượng ảnh hưởng nhưng cũng đang vướng các hộ dân có lâm bạ mà tỉnh chưa giải quyết dứt điểm.

Thiết thực vào cuộc hỗ trợ nhà đầu tư

Từ nắm bắt thực tế, ngoài báo cáo của UBND tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nêu lên những kiến nghị của nhân dân, nhất là nhân dân vùng dự án, nhà máy; như ý kiến của bà con giáo xứ Kẻ Gai đối với Dự án VSIP, nâng cấp đường Nguyễn Văn Bé hay ý kiến hỗ trợ xi măng làm đường vùng nguyên liệu TH... Đối với Dự án VSIP, sau khi đi thực tế và nghe báo cáo, cái khó là việc thu hút các dự án lớn vào đây còn khó khăn và tỉnh, nhà đầu tư cần nghiên cứu giải pháp tiếp thị, quảng bá.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên phải vào cuộc  mạnh mẽ GPMB ngay đường 72m phía ngoài khu công nghiệp giúp nhà đầu tư thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. Cùng đó, chủ đầu tư cần hỗ trợ tốt hơn cho các nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp VSIP...

Đối với Dự án Hemaraj Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, nhà đầu tư rút kinh nghiệm Dự án VSIP để các bước thủ tục đầu tư được thuận lợi, nhanh và đúng luật tạo điều kiện thu hút các dự án vào đây. “Những vấn đề thủ tục, nguyên tắc cần phải đảm bảo, quy hoạch chi tiết của Dự án Hemaraj cần được nghe kỹ và nghe trước, khu công nghiệp vào sau cần được chuẩn bị kỹ” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.  

Đối với Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao tiến độ dự án, nhà đầu tư rất trách nhiệm với địa phương. Đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn sớm cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục khai thác mỏ đất. Về phía nhà đầu tư cần quán triệt các đội xe hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông trên đường N5 cũng như sớm làm thủ tục công bố cảng Vissai.

Băng tải dài 3.000 m để vận chuyển xi măng ra cầu cảng Nghi thiết cho tàu 7 vạn tấn đã hoàn thành. Ảnh: Nguyên Sơn


Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cần vào cuộc hỗ trợ nhà đầu tư tích cực, chủ động, chịu trách nhiệm cao hơn đối với các đối tác của mình. “Trung tâm phải rõ hơn lên  vai trò, giải quyết thường xuyên các ý kiến của doanh nghiệp, theo dõi, đeo bám, có sự phân công người cụ thể hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, tránh  những phát sinh rắc rối chậm được giải quyết, nhất là các dự án lớn”- Bí thư Tỉnh ủy lưu ý. 

Đối với các dự án của tập đoàn TH, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu hỗ trợ dự án TH theo các quyết định đã ban hành, đề nghị tỉnh hỗ trợ 7.000 tấn xi măng để làm đường cho người dân vùng dự án. Vướng mắc ở Yên Thành với công ty TH, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm. Về Dự án nghỉ dưỡng Cầu Cau, huyện Thanh Chương chú ý công tác quản lý để công tác GPMB được thuận lợi, và nhà đầu tư cần thúc đẩy tiến độ để tranh thủ thời cơ.

Bí thư Tỉnh ủy cũng ghi nhận thời gian qua, Nghệ An đã thu hút được một số dự án “tạo đà” cho các dự án khác vào đầu tư như VSIP, Hemaraj... tuy nhiên, việc triển khai các dự án lớn trên thực tế vẫn còn khó khăn. Vì vậy, UBND tỉnh, các ngành cần phải hết sức đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư đảm bảo tiến độ từng dự án. 

Trân Châu 

TIN LIÊN QUAN