Chuỗi ngày bi kịch
Sầm Thị Hương (SN 1959), trú xã Thông Thụ, huyện Quế Phong là người dân tộc Thái. Không được đến trường nên một chữ bẻ đôi, người đàn bà này cũng không biết. Như bao người phụ nữ miền núi khác, Hương sớm lập gia đình và sinh một lèo 6 đứa con với ông Lữ Văn P.
Cuộc sống vốn đã khó khăn, thiếu thốn nên để nuôi đoàn con khôn lớn càng vất vả hơn. Nhưng thay vì vợ chồng đồng lòng cùng làm rẫy, chăn nuôi thì từ lâu ông P. đã lộ ra những tật xấu. Không những ham mê rượu chè, người đàn ông này còn có tật “hai ngón”. Theo chia sẻ của người thân, việc ông P. trộm tài sản của người dân trong bản đã nhiều lần bị chính quyền xử lý, nhắc nhở.
Cũng vì chuyện đó mà bà Hương luôn cảm thấy xấu hổ với bà con dân bản. Không muốn chồng càng lấn sâu vào con đường trộm cắp, bà đã nhiều lần khuyên can nhưng bất thành. Đã không ít lần bà Hương phải muối mặt đi xin lỗi những gia đình mà chồng mình trộm tài sản.
Mấy năm trở lại đây khi các con lần lượt rời bản làng, xuống phố làm thuê. Do đó, con cái đành phải nhờ cậy ông bà chăm sóc. Gánh nặng gia đình và nỗi lo toan cứ thế càng đè lên vai bà Hương.
Tần tảo nuôi con, nay lại chăm cháu và người chồng nát rượu khiến nhiều khi bà chán nản nhưng rồi, thương con, nghĩ đến các cháu bà lại âm thầm chịu đựng, làm lụng để quán xuyến gia đình. Hy sinh cho gia đình nhưng rồi thói ham mê rượu chè của người chồng đã đẩy gia đình này vào bi kịch.
Giết chồng rồi đổ lỗi tự tử
Chiều tối 12/1/2021, cũng như nhiều ngày khác, ông P. lại ngồi lai rai với một nhóm bạn. Khi đám bạn nhậu ra về thì ông P. cũng đã ngà ngà. Say rượu, mất đi lý trí nên ông P. ném hết bát đĩa, đập phá nồi niêu mà bà Hương mới sắm được từ tiền của con đi làm thuê gửi về. Lúc này bà Hương đang cho đàn gà ăn nên được người cháu chạy ra báo tin. Bực tức, bà Hương nói: “Con cái đi làm thuê, gửi tiền về mua được chục bát to, ông đập gần hết rồi... ông đi chết đi”. Đáp lại, ông P. đã chửi bới và có những câu nói xúc phạm vợ.
Bực tức vì chồng đập phá đồ đạc, xúc phạm mình, lại nhớ đến những lần lên cơn say rượu trước đây của chồng, Hương đã dùng dây thừng siết cổ ông P. khiến nạn nhân ngã xuống nền nhà. Lúc này, Hương cầm gậy gỗ đánh vào đầu ông P. khiến nạn nhân tử vong.
Trong cơn điên loạn, người đàn bà ấy đã có những hành động mất kiểm soát. Đến khi đánh người xong, bật bóng đèn lên thì người đàn bà này mới thấy miệng chồng sùi bọt mép nên hô hoán hàng xóm đến giúp đỡ. Tuy nhiên, nạn nhân đã tử vong. Sau đó, Sầm Thị Hương đến công an đầu thú. Cơ quan điều tra xác định nguyên nhân chết của nạn nhân là ngạt đường hô hấp do chèn cổ bằng dây.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo về tội Giết người kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Do bị cáo không biết tiếng Việt nên phải có người phiên dịch. Bị cáo đã thay đổi lời khai: Hôm đó giữa hai vợ chồng có xảy ra cãi vã vì chuyện ông P. say rượu đập phá đồ đạc. Tuy nhiên, câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, chứ không có chuyện bà giết chồng.
Sầm Thị Hương còn cho rằng, người chồng đã tự dùng dây thừng thắt cổ tự tử. Sau khi phát hiện sự việc, bị cáo đã hạ thi thể chồng xuống đất rồi báo cho hàng xóm biết.
Những lời khai của bị cáo tại phiên tòa khác hẳn với quá trình điều tra, biên bản lấy lời khai. Bà Hương lý giải cho điều này là vì quá trình điều tra bị đánh đập nên ra tòa mới khai sự thật. Tuy nhiên, bị cáo này không cung cấp được cán bộ nào đã đánh đập mình. Do bị cáo có những lời khai không đồng nhất, mâu thuẫn với quá trình điều tra và người làm chứng nên HĐXX quyết định tạm dừng để hội ý.
Trong khoảng thời gian này khi được luật sư bào chữa cùng các con động viên, bà Hương đã có động thái khác. Bị cáo thay đổi lời khai, thừa nhận với HĐXX về hành vi dùng dây thừng siết cổ chồng chết. Vì lý do về lời khai trước đó, bị cáo trình bày vì sợ con cái giận, không tha thứ lỗi lầm và không thăm nuôi trong quá trình giam giữ. “Tuy nhiên, sau khi nghĩ đến chồng, bị cáo nghĩ mình không thể lừa dối lương tâm”, bà Hương khai.
Nỗi ân hận giày vò
Sau khi thừa nhận hết hành vi phạm tội, bị cáo bật khóc thể hiện sự hối lỗi và xin lỗi các con đang đến tham dự phiên tòa. “Dù thế nào đi chăng nữa thì mẹ cũng có lỗi với các con”, người phiên dịch thuật lại lời xin lỗi của bị cáo.
Tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi liên quan, người con dâu không yêu cầu bồi thường về dân sự. Chị này cũng đã có lời xin giảm án cho mẹ mình. “Từ ngày làm dâu đến khi xảy ra sự việc, mẹ chồng tôi là người hiền lành, luôn lo cho chồng con. Tôi dù là con dâu nhưng mẹ hết mực thương yêu. Nhưng vì cuộc hôn nhân của mẹ không hạnh phúc, bị bố chửi mắng, đánh đập. Bố thậm chí còn nhiều khi không cho mẹ ăn cơm. Mẹ phải chịu khổ nhiều, có lẽ vì thế mới có hành động mất kiểm soát chứ mẹ không cố tình giết người”, chị này phát biểu.
Hàng chục năm qua, dù cuộc sống bất hạnh nhưng vì nghĩ đến con, cháu nên người đàn bà ấy cố chịu đựng. Thế rồi, sự việc ngày hôm đó như giọt nước tràn ly, biến bà từ một người hiền lành trở thành kẻ giết người.
Trong nỗi ân hận muộn màng, bà gửi lời xin lỗi đến người chồng đã khuất và con cháu. Xét trong vụ án này bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động tinh thần, bị cáo là người cao tuổi, không biết chữ, nhận thức pháp luật hạn chế nên HĐXX đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ. Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Sầm Thị Hương 7 năm tù về tội Giết người.
Sầm Thị Hương rời tòa với đôi mắt đỏ hoe. Ở phía dưới, những đứa con của bị hại cũng là con của bị cáo đã khóc thành tiếng. Cùng lúc phải chịu nỗi đau mất bố, mẹ thì vào tù khiến lòng họ quặn thắt, nỗi đau như nhân lên gấp nhiều lần...