(Baonghean.vn) - Trước khi diễn ra lễ an táng mộ cụ thủy tổ họ Trần ở xóm 10, xã Thanh Đồng (Thanh Chương), ngôi mộ cổ này đã bị kẻ gian đào trộm.

 » Hé mở bí ẩn về ngôi mộ cổ còn nguyên thi hài ở Thanh Chương
 

Như tin đã đưa trên Báo Nghệ An, khi mới phát hiện ra ngôi mộ cổ (7/12/2016) do chưa có người đến nhận, nên anh Nguyễn Văn Toàn – người chỉ đạo việc múc đất ở khu vực núi Mửa (Khối 1 thị trấn Dùng) đã cho máy xúc cẩu nguyên cả mộ lên xe trâu, đưa đi an táng tại nghĩa trang họ giáo ở khu vực Cơn Trộp, xóm 9 (Thanh Đồng). Bên ngoài mộ đã bị sứt mẻ nhiều, riêng mặt đáy của quách đã bị vỡ, lộ rõ khoảng 10 cm quan tài. Quách và quan có cấu tạo đặc biệt, dính chặt vào nhau, dù mặt đáy của quách bị vỡ nhưng quan tài vẫn kín.

images1798403_1.jpgNgôi mộ khi mới phát hiện.

Sau khi chuyển mộ cổ vào nghĩa trang họ đạo, anh Toàn đã cho chôn cất mộ cổ như một ngôi mộ bình thường, tuy nhiên, phía trên mộ không đắp nấm đất dài theo hình mộ mà đắp một nấm đất tròn theo quan niệm mộ cải táng của người địa phương. Mãi đến ngày 26/12/2016, anh em dòng họ Trần Văn mới nhận đây là mộ tổ của dòng họ mình và ngày 8/1/2017 thì quyết định  tổ chức lễ an táng, di chuyển mộ cụ từ khu vực Cơn Trộp về núi Đội.

Tuy nhiên, vào lúc 5h  sáng ngày 8/1, khi con cháu tập trung về khu vực Cơn Trộp thì thấy mộ tổ đã bị kẻ gian đào bới. Anh Trần Văn Hiệp (46 tuổi) hậu duệ cụ tổ, một trong những người có mặt sớm nhất tại khu mộ cho biết: “Lúc tôi đến, trời đang còn tối, thấy đất cát bị đào tung cả lên thì hoảng hốt vô cùng. Dọi đèn xuống huyệt mộ, thấy quách bị lật nghiêng, kẻ gian đã cạy bật tấm ván địa của quan tài, lộ rõ thi hài cụ tổ đang nằm trên tấm ván địa”.

Ngôi mộ “trong quan ngoài quách” khi được cẩu lên

Anh Hiệp kể, khoảng 5h hơn, công việc cất bốc mộ mới bắt đầu. Ván “địa”, thi hài cụ tổ, cùng một số vật chất được chuyển lên trước, sau đó mới cẩu cỗ quách lên. Trong quan tài, ngoài thi hài còn có gối, 1 thúng bông gòn, một số vải vóc, 1 tấm ván đục lỗ, nhiều thuốc bắc và 1 chiếc túi màu trắng nhạt, dài khoảng 25cm, rộng 15cm.

Anh Hiệp khẳng định: “Cỗ quách nặng khoảng 5 tạ, 7 anh em chúng tôi nhảy xuống huyệt mộ lật quách lại mà lật không nổi, chứng tỏ kẻ gian phải đông người mới khiêng được quách. Chúng đã lấy gì trong quan tài thì không rõ, chỉ biết rằng chiếc túi màu trắng có nhiều vết mực đã bị rạch và trống rỗng. Chiếc túi này, sau đó được chôn phía ngoài cỗ quách”.  

Ông Trần Văn Huy (61 tuổi), thành viên hội đồng gia tộc họ Trần cho rằng: “Lúc thấy thi hài cụ tổ vẫn còn nguyên vẹn, chúng tôi quá mừng, quên xem xét kỹ những chuyện khác. Chỉ khi cỗ quách được cẩu lên, mọi người mới chú ý đến cái túi vải bị vứt ở dưới huyệt và nghĩ ngay đến việc có thể kẻ gian đã lấy đi một số thứ trong quan tài”.

Khu vực nơi ngôi mộ cổ bị đào bới.

Người dân địa phương cho rằng, việc phát hiện mộ cổ đã trọn 1 tháng nay (7/12/2016 – 8/1/2017), trước khi tổ chức lễ an táng này, họ Trần lại thông báo cho con cháu ngày giờ cụ thể trên loa truyền thanh nên kẻ gian đã nắm rõ và ra tay trước. Mục đích đào mộ của chúng là để lấy của cải (không phạm vào thi hài). 

Những người chứng kiến đều có chung nhận định: Gia đình cụ thủy tổ họ Trần phải là một gia đình giàu có, gia thế mới xây dựng, thiết kế được ngôi mộ đặc biệt như thế này. Thời phong kiến thường chỉ có gia đình quyền quý mới có thể mai táng người thân bằng kiểu mộ “trong quan ngoài quách”. Chính thông tin về gia cảnh cụ thủy tổ và cấu tạo khác lạ của ngôi mộ khi mới phát hiện đã gây sự chú ý cho nhiều người, trong đó có cả kẻ gian.

Sau hàng chục năm thờ mộ “gió”, việc phát hiện ra mộ tổ là niềm vui mừng khôn xiết của con cháu họ Trần. Tuy cụ giờ đã “mồ yên mả đẹp” nhưng việc bị đào trộm trong đêm ngay trước lễ an táng cũng để lại nhiều băn khoăn, áy náy cho con cháu và những người quan tâm./.

                                                          Huy Thư

TIN LIÊN QUAN