(Baonghean.vn) - Trong Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin về BHXH, BHYT, đại diện BHXH Việt Nam cho biết tình trạng bội chi chỉ là tạm thời. 

Trên tinh thần nhìn thẳng vào bản chất vấn đề, lấy quyền lợi người dân làm trung tâm, lần đầu tiên, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin về BHXH, BHYT tại 63 điểm cầu trên cả nước vào chiều 31/10.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại điểm cầu Nghệ An, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, BHXH tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh đồng chủ trì hội nghị; tham dự còn có đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn.

images2045642_1.jpgQuang cảnh hội nghị ở điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phước Anh

Hệ thống giám định BHYT “làm khó” bệnh viện?

Giải đáp băn khoăn cho rằng hệ thống thông tin giám định BHYT đang “làm khó” các bệnh viện khi tỷ lệ chưa chấp nhận thanh toán chi phí của số hồ sơ đề nghị còn cao, BHXH Việt Nam khẳng định không có chuyện này.

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, đến tháng 9/2017, toàn quốc có 12.135 cơ sở khám chữa bệnh BHYT liên thông dữ liệu lên hệ thống thông tin giám định BHYT, tỷ lệ bình quân đạt 96,3%. Qua giám định tự động, hệ thống chưa chấp nhận thanh toán chi phí của hơn 17,6 triệu hồ sơ, chiếm tỷ lệ 14,3% tổng số hồ sơ đề nghị.

Mô hình tổng thể kết nối hệ thống. Ảnh: BHXH Việt Nam

Về vấn đề từ chối thanh toán hoặc cơ sở y tế phải gửi đề nghị lên hệ thống nhiều lần, BHXH Việt Nam chỉ rõ 5 nguyên nhân: Người đứng đầu chưa thực sự quan tâm ứng dụng CNTT trong giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT; Không thực hiện đối chiếu, chốt dữ liệu thông tin của phiếu thanh toán với danh mục dùng chung đã thống nhất với cơ quan Bảo hiểm xã hội; Dữ liệu điện tử không đối chiếu đúng nội dung, chi phí với chứng từ lưu tại bệnh viện; Tính sai thuốc, dịch vụ kỹ thuật thanh toán theo điều kiện, tỷ lệ căn cứ qui định của Bộ Y tế; Ghi nhận sai tỷ lệ quyền lợi hưởng BHYT với các bệnh nhân có tổng chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn tương đương 15% mức lương cơ sở, không phải thực hiện cùng chi trả.

“Từ đầu năm nay, BHXH Việt Nam đã đưa vào sử dụng hệ thống giám định điện tử tự động. Bây giờ là thời đại của sự minh bạch, công khai, tất cả đều được “phơi” trên màn hình. Tôi khẳng định, từ lãnh đạo ngành BHXH, Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh đến từng nhân viên y tế đều có thể vào hệ thống này để theo dõi xem có lạm dụng, trục lợi hay không, có gì bất thường trong đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh hay không?” - ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nói.

Nghệ An đầu bảng bội chi quỹ BHYT

Vấn đề bội chi quỹ BHYT được thảo luận sôi nổi tại hội nghị. Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31/09/2017, đã có 122,6 triệu hồ sơ được gửi đề nghị thanh toán BHYT với số tiền 63.593 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 6 tỉnh có số chi khám chữa bệnh BHYT bội chi cao thì tỉnh Nghệ An đứng đầu danh sách với số tiền 919 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam nêu 7 nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng bất hợp lý chi phí khám chữa bệnh BHYT, đó là: Tăng chi do giá dịch vụ y tế chưa hợp lý; Không thực hiện đúng định mức theo quy định; Thống kê thanh toán dịch vụ kỹ thuật còn nhiều bất cập; Tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm; Tăng số lượng khám, chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý, kéo dài ngày điều trị; Mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý; Trục lợi quỹ BHYT.

Đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh. Ảnh tư liệu

Phân tích về vấn đề không thực hiện đúng định mức theo quy định, một số cơ sở y tế ở Nghệ An nhiều lần “được” đưa ra làm ví dụ: Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh có ngày bác sỹ khám 180 bệnh nhân, 1 bác sỹ thực hiện 62 ca nội soi Tai – Mũi – Họng và 163 ca siêu âm/ ngày (định mức 15’/ ca nội soi Tai – Mũi – Họng); Bệnh viện Thái Thượng Hoàng hàn composite cổ răng 24 răng/ lần điều trị, bình quân 5’/ răng (định mức quy định là 30’)…

Về chỉ định xét nghiệm quá mức cần thiết, BHXH Việt Nam đưa ra ví dụ ở Bệnh viện Sản nhi Nghệ An chỉ định đồng loạt nhiều xét nghiệm chỉ với các chẩn đoán viêm phế quản, viêm mũi họng…

Trước lo lắng về việc vỡ quỹ BHYT, ông Lê Văn Phúc khẳng định, không bao giờ có chuyện vỡ quỹ BHYT, việc bội chi chỉ là tạm thời. Ngành BHXH và ngành Y tế đang có những giải pháp phối hợp quyết liệt để từng bước giải quyết vấn đề này.

Cách tính lương hưu mới khiến lao động nữ thiệt thòi?

Tại hội nghị, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đã thẳng thắn chất vấn lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam về các vấn đề “nóng”.

Các câu hỏi xoay quanh câu chuyện “sau 1 đêm, lao động nữ mất 10% lương hưu” theo cách tính lương hưu mới kể từ ngày 1/1/2018. Ban Chính sách xã hội, BHXH Việt Nam khẳng định, nguyên tắc BHXH là đóng - hưởng, đóng cao hưởng cao và ngược lại.

Cách tính lương hưu mới khiến lao đông nữ thiệt thòi. Ảnh minh hoạ: Internet

Theo Luật BHXH năm 2006, cả nam và nữ sau 15 năm công tác được nghỉ hưu thì được tính lương hưu bằng 45% mức bình quân đóng BHXH; từ năm thứ 16 trở đi, mỗi năm công tác, nam được cộng thêm 2% cho đến khi đạt tối đa 75%, nữ được ưu tiên cộng 3% đến 25 năm công tác được hưởng 75%. Bấy giờ, sự ưu tiên này nhằm đảm bảo công bằng giới, giúp phụ nữ có mức lương cao hơn.

Còn theo Luật BHXH năm 2014, lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018, đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019, đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020, đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021, đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi. Trường hợp lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ mỗi năm đóng BHXH thì người lao động cả nam và nữ được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Với cách tính này, lao động nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu, thay vì chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75% như trước thì từ 1/1/2018 phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%. Mục đích của cách tính này nhằm quay về trật tự đóng - hưởng công bằng.

Phóng viên đặt vấn đề, liệu có nên đề xuất thay đổi Luật hay không, trước thực tế lao động nữ thiệt thòi vì quy định mới? Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nói: “Vấn đề này đã được đặt ra từ tháng 3, tháng 4 nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng. Việc thay đổi Luật là điều rất khó khăn. Ngành BHXH không né tránh, chúng tôi có một phần trách nhiệm. Là đơn vị thực hiện chính sách, nhưng đồng thời cũng là đơn vị bảo vệ quyền lợi người lao động, chúng tôi liên tục đề xuất, tham mưu, nêu ý kiến, đến khi được thì thôi”.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN