Việc không có lương hưu được ví như con người sắp bước vào mùa đông của cuộc đời mà không có gì để dự trữ, từ tiền, lương thực cho tới sức khỏe. Tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) để được chia sẻ nỗi lo ấy, cũng như được hưởng niềm vui khi tuổi già.
Tích lũy lúc trẻ để sống khỏe lúc về già
Vào ngày mùng 6 mỗi tháng, bà Nguyễn Thị Loan (70 tuổi, khối 5, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh) lại “vui vẻ” đến nhà văn hóa khối 6 - 1 trong 2 điểm chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội ở địa phương để được nhận lương hưu của mình. Theo Bà Loan: “Lương hưu của bản thân tuy không nhiều nhưng cũng đủ đảm bảo cuộc sống, không phải phụ thuộc vào con cháu. Đây cũng chính là thành quả sau nhiều năm lao động, tham gia BHXH của bản thân”.
“Việc nhận lương hưu rất thuận tiện, có thể bằng tiền mặt tại Nhà Văn hóa khối hoặc qua tài khoản cá nhân. Bản thân tôi thích tiền mặt hơn vì được gặp gỡ bạn bè trò chuyện. Ông nhà thì lại thích nhận qua ATM. Hôm nào vào TP. Hồ Chí Minh thăm con cháu thì lại ra đây làm đơn để được chuyển lương qua thẻ ATM. Nếu chưa có tài khoản ATM thì việc mở thẻ cũng rất đơn giản, có nhân viên ngân hàng thương mại đến tận điểm chi trả làm cho chúng tôi”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Bình (75 tuổi, khối 4, phường Hà Huy Tập) cũng tâm tình: “Khi về già, mỗi người thường có 3 nỗi lo lớn nhất: Con cái, sức khỏe và tài chính. Lương hưu sẽ giúp cho mỗi người giảm nhẹ áp lực cả 3 vấn đề trên. Tôi vẫn luôn tự hào về việc mình có lương hưu, không trở thành gánh nặng cho con cái lúc tuổi già. Tôi vẫn dặn con cháu rằng phải luôn nhớ câu “tích cốc phòng cơ”, làm gì thì làm cũng phải tham gia BHXH để sau này có khoản tiền lương hưu mỗi tháng, được cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh, lúc chết đi có nhà nước lo tiền tử tuất, mai táng”.
Chế độ hưu trí bao gồm hai quá trình: đóng và hưởng. Quá trình đóng được tính từ khi người lao động bắt đầu tham gia BHXH và quá trình hưởng bắt đầu từ khi người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu cho đến khi qua đời. Đây là quyền lợi của người lao động sau một quá trình lao động, tích lũy và tham gia BHXH, giúp họ có chỗ dựa về tài chính cũng như được chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động. Ngoài ra, thân nhân sẽ được hưởng chế độ mai táng phí và chế độ tuất khi người lao động qua đời. Chế độ hưu trí giúp đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống cho người lao động khi về già.
Với nhiều quy định mới về BHXH tự nguyện như: Không khống chế tuổi trần tham gia; mức đóng, phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số người dân ở khu vực nông thôn, Nhà nước hỗ trợ mức đóng từ năm 2018 cho những người tham gia; đặc biệt sự ra đời của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, hướng tới BHXH toàn dân, giờ đây, bất kỳ người lao động nào, dù là người nông dân hay người lao động tự do,…đều có cơ hội hưởng chế độ hưu trí.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến nay nhiều người lao động trong khu vực phi chính thức trên địa bàn tỉnh đã và đang có ý thức “Tích lũy lúc trẻ để sống khỏe lúc già” bằng việc tham gia BHXH tự nguyện. Theo thông tin từ BHXH tỉnh Nghệ An, tính đến tháng 8 năm 2020, toàn tỉnh có 63.942 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 17.202 người so với cùng kỳ năm 2019.
“Gia đình tôi làm nghề nông, đời sống khó khăn, ăn bữa nay, lo bữa mai. Mấy năm rày nhờ các con đi xuất khẩu lao động nên đời sống khá lên. Có tiền, các con đã tính đến việc lo cho bố mẹ. Các cháu tính toán đóng cho bố mẹ 10 năm, sau đó đóng bù một lần cho 10 năm còn thiếu, thế là đến năm 60 tuổi tôi cũng có lương hưu như mọi người”.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, hiện nay đã có 12% số dân trong độ tuổi từ 60 trở lên; tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên 18% vào năm 2030 và khoảng 23% vào năm 2040. Để đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người cao tuổi trước thách thức của già hóa dân số, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, cơ quan BHXH đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm tăng nhanh số người tham gia BHXH.
Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động được hưởng chế độ hưu trí trên thực tế vẫn còn thấp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 163.288 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, chiếm 37,9% số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng từ 80 đến 99 tuổi là 21.612 người - tương đương với thời gian hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng từ 25 năm đến 44 năm (đối với nữ), từ 20 năm đến 39 năm (đối với nam); số người hưởng lương hưu từ 100 tuổi trở lên là 304 người – tương đương với thời gian hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH từ 45 năm (đối với nữ) và 40 năm (đối với nam).
“Không có khoản tiền hưu trí cho tuổi già là điều cực kỳ nguy hiểm đối với mỗi người. Điều này giống như con người sắp bước vào mùa Đông của cuộc đời mà không có gì để dự trữ, từ tiền, lương thực, cho tới sức khỏe. Chúng ta biết rằng 95% người cao tuổi có bệnh, trung bình mỗi người mắc 2,69 bệnh...”.