(Baonghean) - Bên cạnh sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các bệnh viện tuyến huyện ở Nghệ An cũng đang gặp nhiều khó khăn về nhân lực có chứng chỉ hành nghề, vướng mắc tần suất khám/bàn/ngày, thanh toán dịch vụ y tế.

Các bệnh viện kêu khó

Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương là bệnh viện hạng II có quy mô 240 giường, thực hiện khám, chữa bệnh cho nhân dân huyện nhà và các vùng phụ cận. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện đón khoảng 300 – 600 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị ở 16 khoa lâm sàng và cận lâm sàng.

Bác sỹ Nguyễn Hải Linh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương cho biết: “Tuỳ tính chất bệnh tật, có khoa rất đông nhưng có khoa lại ít bệnh nhân. Ở những khoa đông bệnh nhân, việc khám, điều trị của đơn vị gặp khó khăn bởi thiếu bác sỹ có chứng chỉ hành nghề. Bệnh viện hiện có 41 bác sỹ thì mới chỉ có trên 30 bác sỹ có chứng chỉ hành nghề.

Theo Luật Khám chữa bệnh 2009 và các thông tư liên quan, bác sỹ chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề khi trải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là 18 tháng. Theo quy định, những bác sỹ không có chứng chỉ hành nghề không thể khám và điều trị và nếu có thì các ca khám, điều trị không được thanh toán BHYT. Theo tôi, Luật quy định đúng, đủ và rõ ràng, song khi áp dụng thực tế ở Nghệ An thì nảy sinh bất cập, do các bệnh viện tuyến huyện thu hút, tuyển dụng bác sỹ mới rất khó khăn”.

images1847451_bna_58c536d7bc307.jpgCấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương. Ảnh: Thanh Sơn

Thiếu bác sỹ có chứng chỉ hành nghề đang là vấn đề chung ở các bệnh viện tuyến huyện. Bác sỹ Nguyễn Đình Sơn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam cho hay: “Bệnh viện tuyến huyện cũng phải thực hiện đầy đủ các chuyên khoa như tuyến tỉnh nhưng lượng bác sỹ lại ít hơn nhiều.

Do không thanh toán được nên bệnh viện thường không bố trí bác sỹ chưa có chứng chỉ hành nghề khám, điều trị. Có những thời điểm bệnh nhân đến đông, khi các bác sỹ có chứng chỉ hành nghề vào tiến hành khám, chữa trị thì bệnh viện lại mắc phải quy định về tần suất khám bệnh là không được khám quá 45 lượt bệnh nhân/ngày”. 

Linh hoạt, chủ động giải quyết

Về những khó khăn liên quan đến chứng chỉ hành nghề bác sỹ Nguyễn Thanh Ngọc - Phó phòng Nghiệp vụ Y phân tích: “Thực trạng thiếu bác sỹ có chứng chỉ hành nghề rồi dẫn đến ảnh hưởng tới công tác khám, chữa bệnh, thanh toán BHYT có lỗi lớn từ chính các bệnh viện tuyến huyện.

Các bệnh viện đã thiếu chủ động nghiên cứu các văn bản quy định như Thông tư 41/2011/TT-BYT, Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các văn bản này quy định rõ: Các bác sỹ trong thời gian thực hành có thể thực hiện khám, chữa bệnh dưới sự hướng dẫn của bác sỹ đã có chứng chỉ hành nghề. Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được lập bởi các bác sỹ trong thời gian thực hành có sự chịu trách nhiệm của người hướng dẫn hoàn toàn có thể thanh toán BHYT”.

Xung quanh những vướng mắc của cơ sở y tế tuyến huyện, dược sỹ Lê Hồng Lĩnh – Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược (Sở Y tế) cũng trao đổi: Hiện nay, ngành Y tế Nghệ An đã cấp khoảng 10.000 chứng chỉ hành nghề trong, ngoài công lập và chuẩn bị bổ sung thêm 1.000 chứng chỉ hành nghề cho điều dưỡng, bác sỹ khác. Khi các bệnh viện có danh sách đề nghị, đối chiếu đúng thời gian thực hành thì Sở Y tế cấp chứng chỉ ngay.

Để tránh tình trạng thiếu bác sỹ có chứng chỉ hành nghề rồi ảnh hưởng tới công tác khám, chữa bệnh, ngành Y tế đề nghị các bệnh viện tuyến huyện khi cử bác sỹ đi học chuyên khoa mới cần phải có lộ trình, tính toán cụ thể để bố trí nhân lực thay thế phù hợp. Các bệnh viện không nên cử bác sỹ vừa được cấp chứng chỉ hành nghề xong lại đi học liền sau đó. 

Vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các bệnh viện tuyến huyện là theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, định mức số lượng khám bình quân để sử dụng cho việc tính lương kết cấu vào giá dịch vụ KCB đối với các hạng bệnh viện đều không vượt quá 45 lượt khám/bàn/ngày (8 giờ).

Cơ quan BHXH chỉ thanh toán tiền khám bệnh theo định mức do Bộ Y tế quy định. Trong trường hợp đột xuất người bệnh đến đông, cơ sở khám, chữa bệnh phải bố trí thêm bàn khám, bác sỹ khám hoặc tạm thời tổ chức khám ngoài giờ để phục vụ người bệnh thì phải thông báo cho cơ quan BHXH biết để thẩm định thanh toán, phối hợp điều tiết nhằm đảm bảo chất lượng và quyền lợi người bệnh.

Vận chuyển cấp cứu. Ảnh: Thanh Sơn

Tuy nhiên, thực tế quy định này đang gây khó khăn trong hoạt động của các cơ sở y tế tuyến huyện cũng như các trạm y tế, vì hiện nay ở các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến cơ sở đang trong tình trạng thiếu bác sỹ, nếu vào những thời điểm lượng bệnh nhân tăng đột xuất, nếu cứng nhắc theo quy định trên sẽ không đủ bác sỹ khám bệnh.

Riêng mỗi trạm xá chỉ có 1 bác sỹ, nếu trạm y tế nào khám số lượng bệnh nhân từ trên 45 người/ngày sẽ gặp khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế. Do đó, Sở Y tế sẽ có kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quy định của bảo hiểm y tế, trước mắt là quy định hạn chế số lượt người khám/bác sỹ/ngày.

Một trong những bệnh viện tuyến huyện đã linh hoạt, chủ động giải quyết vướng mắc về nhân lực có chứng chỉ hành nghề, quy định về tần suất khám là Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Bệnh viện hiện có 65 bác sỹ, kể từ khi quy định về thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, mỗi ngày bệnh viện tiếp đón khoảng 900 - 1.500 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.

Để đáp ứng yêu cầu chỉ được khám không quá 45 lượt khám/bàn/ngày, ngoài việc bố trí hoạt động hết công suất thì bệnh viện còn sắp xếp nguồn nhân lực từ các khoa điều trị tham gia thời gian khám bệnh khi có sự quá tải ở các phòng khám.

Ngoài ra, bệnh viện còn thực hiện việc hợp đồng với các bác sỹ có chuyên môn giỏi (đã nghỉ hưu) cùng tham gia công tác; nhờ đó, công tác khám, chữa bệnh BHYT của đơn vị thời gian qua vẫn đảm bảo được chất lượng. Thiết nghĩ, đó cũng là một cách làm để các bệnh viện tuyến huyện có thể học tập, sự chủ động khắc phục khó khăn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. 

Dược sỹ Hoàng Văn Hảo – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế: Khám, chữa bệnh ở tuyến huyện đang đối mặt nhiều khó khăn như nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng; mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, bệnh không lây nhiễm có xu hướng ngày càng gia tăng; nhân lực chưa đảm bảo về số lượng, cơ cấu, trình độ; cơ sở hạ tầng xây dựng chắp nối, trang thiết bị lạc hậu; các văn bản hướng dẫn triển khai của Bộ Y tế và BHXH còn chậm, chưa đồng bộ và thiếu thống nhất... Khắc phục các khó khăn này, ngành Y tế Nghệ An đã và đang tích cực kêu gọi, vận dụng các nguồn lực để đầu tư; tham mưu xây dựng chính sách thu hút thầy thuốc có chuyên môn cao làm việc dài lâu ở cơ sở; tích cực chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới triển khai. Ngành Y tế yêu cầu y tế tuyến cơ sở linh hoạt, chủ động giải quyết các vướng mắc trong phạm vi năng lực cho phép.

Bài, ảnh: Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN