Cách đây vài năm, bà Nguyễn Thị T. đi khám đã phát hiện khối u nang buồng trứng. Qua nhiều lần tái khám u không tăng kích thước và bản thân bà cũng không cảm nhận được gì bất thường nên chủ quan không đi khám và điều trị.
Thời gian gần đây, bà T. nhận thấy bụng to dần lên nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 quá phức tạp nên bà vẫn chần chừ chưa đi khám lại. Hai tháng nay, bà T. thấy bụng to nhanh kèm cảm giác đau bụng, căng tức rất khó chịu nên đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh - Nghệ An. Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng các bác sĩ cho biết bà có khối u to buồng trứng to chiếm gần toàn bộ ổ bụng, tương đương tử cung có thai 8 - 9 tháng do đó phải nhập viện và có chỉ định phẫu thuật. Vì khối u lớn, kích thước tăng nhanh, chất chỉ điểm ung thư buồng trứng tăng; chụp MRI khối u có tổ chức đặc, có chồi và có ngấm thuốc do đó không loại trừ đây là một khối u buồng trứng có khả năng ác tính.
BS. CKI Nguyễn Thị Nga- Phó Trưởng khoa Phụ sản cho biết: "Tiên lượng ca mổ sẽ rất khó khăn do khối u kích thước lớn và có khả năng ác tính nên kíp phẫu thuật đã hội chẩn rất kỹ để đưa ra các phương án phẫu thuật tối ưu nhất cho bệnh nhân".
Kíp phẫu thuật gồm BSCKII.Bùi Danh Ánh - Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BS. CKI Nguyễn Thị Nga - Phó trưởng khoa Phụ sản, BS. CKI Nguyễn Thị Liệu - Phó trưởng khoa Phụ sản
cùng kíp gây mê đã tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ khối u, làm sinh thiết tức thì để xác định bản chất khối u. Sau đó, các bác sĩ tiếp tục tiến hành nạo vét hạch chậu hai bên, cắt tử cung hoàn toàn và hai phần phụ trên bệnh nhân.
Sau 3 giờ thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công. Sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân ổn định và tiếp tục được theo dõi điều trị hậu phẫu tại khoa Phụ sản.
Ở nữ giới, u nang buồng trứng là khối u thường gặp và có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ thời kỳ bào thai đến tuổi mãn kinh. Khối u thường không có triệu chứng và diễn biến âm thầm, tuy nhiên có thể gây ra một số biên chứng như: Vỡ u, xoắn u, vô sinh hiếm muộn… đặc biệt có thể dẫn tới ung thư buồng trứng. Tế bào ung thư có thể di căn tới các cơ quan lân cận và nhiều bộ phận khác trong cơ thể, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Do đó người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần hoặc khám ngay khi có các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, tự sờ thấy khối bất thường vùng bụng…; không nên để muộn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc điều trị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân./.