(Baonghean) - Bắt đầu từ tháng 9/2012, Báo Nghệ An phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Nghệ An mở chuyên mục “Y tế và Cộng đồng” mỗi tuần 2 lần vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần trên trang 4 nhật báo, nhằm nâng cao, phổ biến kiến thức phòng chống các bệnh không lây nhiễm và các dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn đến bạn đọc; qua việc thông tin truyên truyền giúp mọi người hiểu, chủ động trong việc phòng chống, điều trị các bệnh thường gặp cũng như nan y.

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết  đang có diễn biến hết sức phức tạp, số người mắc và tử vong có  xu hướng tăng, nhất là các tỉnh phía Nam. Tại Nghệ An, dịch sốt xuất huyết đã xẩy ra tại xã Quỳnh Liên, huyện Quỳnh Lưu. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn bệnh sốt xuất huyết và cách phòng tránh, bác sỹ Phạm Văn Công –Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An đã tư vấn căn bệnh này:

Bệnh sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virut dengue gây ra chủ yếu vào mùa mưa. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virut sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết: Muỗi có  màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn  đẻ trứng, sinh sản ở các ao tù, vũng nước đọng hoặc các dụng cụ chứa nước ở trong và  xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây, các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát kê chạn, lốp xe, vỏ dừa...

Các biểu hiện của bệnh: Người bệnh có biểu hiện sốt đột ngột, nhiệt độ tăng nhanh lên trên 390C và sốt liên tục. Kèm theo sẽ có các biểu hiện như nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nhức hai hố mắt, đau mỏi khắp toàn thân. Ở trẻ nhỏ đôi khi sốt cao gây co giật.

Từ ngày thứ 3 của sốt, hầu hết người bệnh sẽ có biểu hiện của xuất huyết như xuất huyết ở da, thường thấy ở lưng, bụng và mặt trong hai cánh tay, đùi, dưới các dạng chấm, nốt nhỏ, hoặc các mảng xuất huyết bầm tím với kích thước lớn hơn. Hoặc xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu lợi, tiểu ra máu; đối với phụ nữ có thể thấy kinh nguyệt kéo dài hoặc sớm hơn kỳ hạn. Trong trường hợp nặng hơn sẽ có xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết phổi, xuất huyết não. Đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng sốc do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cần làm gì khi nghi ngờ bị  sốt xuất huyết? Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ, bác sĩ có thể cho về chăm sóc tại nhà bằng cách cho nằm nghỉ  ngơi, uống nhiều nước, uống dung dịch oresol, nước trái cây; cho ăn cháo, súp, sữa; dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ  sốt vào hậu môn, không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát; theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết: - Tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và  phòng chống muỗi đốt. Luôn luôn đậy kín tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống, sinh hoạt; thả  cá hoặc mêzô vào tất cả các vật dụng chứa nước (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp...) để diệt bọ gậy; thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa; dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần; loại bỏ các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ  lá, gốc tre, nứa; bỏ  muối vào các bát nước kê chân tủ đựng chén bát.

Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài che kín tay chân; ngủ  trong màn kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác.


Từ Thành