Lâu nay, giới khoa học cho rằng bệnh sởi làm suy giảm cơ chế miễn dịch tự nhiên của cơ thể người trong vài tháng. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ mới đây kết luận rằng căn bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp này có thể phá hủy hệ miễn dịch tới 3 năm, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và bệnh hiểm nghèo khác cho người bệnh. 
 
images1164373_ttxvn_soi.jpgTiêm chủng phòng bệnh sởi tại Bệnh viện nhi ở Miami, bang Florida, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Để đưa ra kết luận này, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Princeton đã tiến hành nghiên cứu dữ liệu thu thập trong nhiều thập kỷ qua về các trường hợp tử vong ở trẻ em tuổi từ 1-9 ở châu Âu và trẻ 1-14 tuổi ở Mỹ trong cả hai giai đoạn trước và sau khi tiêm vắcxin phòng sởi. Kết quả cho thấy virus sởi phá hủy hệ miễn dịch của người bệnh trong trung bình 28 tháng sau khi lây nhiễm. 

 
Trong thời gian này, những trẻ mắc sởi có nguy cơ cao tử vong vì các bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng não, tiêu chảy, các bệnh ký sinh trùng... Nguyên nhân là do virus sởi tấn công và tiêu diệt các tế bào nhớ trong hệ miễn dịch, có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể trước các căn bệnh truyền nhiễm. 
 
Nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm và hệ miễn dịch thuộc Đại học Princeton đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, Michael Mina, kết luận vắcxin phòng sởi không chỉ có tác dụng ngăn ngừa bệnh sởi mà còn giúp ngăn ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm chết người khác. Theo chuyên gia trên, vắcxin phòng sởi là một trong những can thiệp y tế có lợi nhất đối với sức khỏe cộng đồng.
 
Công trình nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Science (Khoa học) của Mỹ số ra ngày 7/5, trong bối cảnh giới chức y tế cộng đồng nước này đang lo ngại việc ngày càng có nhiều phụ huynh từ chối cho con em đi tiêm vắcxin ngừa sởi. 
 
Năm 2000, Chính phủ Mỹ tuyên bố đã xóa sổ hoàn toàn bệnh sởi. Tuy nhiên, số ca nhiễm sởi tại Mỹ đã tăng vọt trong những năm gần đây và tình trạng này trùng khớp với xu hướng người dân từ chối tiêm phòng vaccine sởi do lo ngại loại vắcxin này có thể sẽ gây ra các chứng bệnh tâm thần. 
 
Năm ngoái, nhà chức trách Mỹ phát hiện 668 trường hợp mắc sởi, cao kỷ lục kể từ năm 1994. Mặc dù các nghiên cứu khoa học đã loại trừ bất cứ sự liên hệ nào giữa vắcxin phòng bệnh sởi, quai bị, rubella với bệnh tâm thần song xu hướng từ chối tiêm vắcxin vẫn tiếp tục phổ biến trong những năm qua tại Mỹ. 
 
Sởi là loại bệnh có khả năng lây nhiễm cao, virus có thể lan truyền trong không khí mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Bệnh thường có biểu hiện ban đầu như sốt, sau đó dẫn đến ho, chảy nước mũi, viêm màng kết và phát ban. Sởi có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp như nhiễm trùng phổi. 
 
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong giai đoạn 2000-2013, vắcxin phòng sởi giúp giảm tới 75% trường hợp tử vong vì bệnh này trên toàn thế giới./.
Theo VIETNAM+