(Baonghean) - Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị đã long trọng tuyên bố tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. 

Mỹ là nước trực tiếp giúp Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và là thành viên của Hội nghị Giơnevơ nhưng lại trắng trợn tuyên bố: “Mỹ không bị nội dung này ràng buộc”, từ đó ráo riết hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương, lấy vĩ tuyến 17 của Việt Nam làm giới tuyến quân sự tạm thời, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, chia cắt đất nước ta. Từ đây, bắt đầu một thời kỳ mới của lịch sử Việt Nam: Thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trong 2 năm 1957 và 1958, chúng triển khai nhiều kế hoạch, ban hành nhiều đạo luật đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật và lê máy chém đi khắp miền Nam, buộc ngụy quyền Ngô Đình Diệm ra tuyên bố đặt miền Nam Việt Nam trong tình trạng chiến tranh.

Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (1-1959) xác định: Con đường giải phóng miền Nam là “con đường bạo lực cách mạng”; miền Nam cần phải nhận được sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc, miền Nam phải có nhiều vũ khí để đánh giặc. Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 5-1959, Tổng Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Phòng nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự cho miền Nam. Thực hiện chủ trương của Đảng và Quân ủy Trung ương, ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị giao Bộ Quốc phòng tổ chức “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”, mang phiên hiệu Đoàn 559, mở đường Trường Sơn, chi viện chiến trường miền Nam. Tiếp đó, Bộ Chính trị quyết định mở tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển vào Nam bộ, không chờ tuyến vận chuyển đường bộ dọc theo dãy Trường Sơn hoàn thành.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 7-1959, Tổng Quân ủy (từ năm 1961 là Quân ủy Trung ương) quyết định tổ chức đường vận chuyển chiến lược trên biển và thành lập Tiểu đoàn 603 có nhiệm vụ nghiên cứu tìm kiếm phương tiện vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam dưới danh nghĩa “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”. Tiếp đó, ngày 23-10-1961, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Văn Thái thay mặt Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 với nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam bằng đường biển. Trung tá Đoàn Hồng Phước được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng. Cơ quan của Đoàn gồm có Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban hậu cần; lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra. Do tính chất, nhiệm vụ đặc biệt nên Đoàn 759 đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Cuối năm 1961, đề án công tác của Đoàn đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh thông qua; ngày 12-2-1962, Tổng cục Chính trị có quyết định số 09/QĐ thành lập Đảng ủy Đoàn 759 do đồng chí Phạm Thái Hòa làm Bí thư. Tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương ra nghị quyết về mở đường vận chuyển chiến lược trên biển, hướng đột phá là các tỉnh Nam bộ, tiếp đó phát triển ra Khu 6, Khu 5.

769114_small_66946.jpg

Những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đoàn 759 đi chuyến mở đường đầu tiên
vào tháng 10-1962. Ảnh tư liệu



Những con tàu bí mật trên đường chi viện cho miền Nam (ảnh Internet)

Đoàn 759 được thành lập đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển. Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt và thể hiện quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Từ đây, con đường vận chuyển chiến lược sáng tạo và độc đáo như một huyền thoại trên Biển Đông mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” hình thành. Và ngày 23/10 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay, đồng thời là “Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. So với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, khối lượng vũ khí vận chuyển theo Đường Hồ Chí Minh trên biển ít hơn nhiều, nhưng chi viện kịp thời đến các vùng ven biển miền Trung và Tây Nam bộ, những nơi vận tải bộ chưa vươn tới. Những chiến công của từng chuyến tàu không số chi viện chiến trường thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong mọi tình huống; thể hiện tình đoàn kết quân dân, giữa cán bộ, chiến sĩ hải quân với các đơn vị, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương vùng ven biển, nơi các bến bãi tiếp nhận vũ khí. Đây là con đường của ý chí và sức sáng tạo, độc đáo Việt Nam; kế thừa truyền thống sông biển oanh liệt của dân tộc và phát triển lên tầm cao mới trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt. Đường Hồ Chí Minh trên biển là chiến công vẻ vang của toàn dân tộc, mà trước hết là quyết tâm chiến lược, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu; sự cố gắng vượt mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần đoàn kết của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong quân chủng Hải quân anh hùng.

Những con tàu không số vượt qua mọi thử thách bởi trên nó chở tình cảm thiêng liêng của hậu phương lớn miền Bắc luôn hướng về miền Nam. Và từ những bến cảng lòng dân, những con tàu không số lặng lẽ thực hiện các nhiệm vụ phi thường, chi viện kịp thời sức người, sức của, mang lại niềm tin, tinh thần lạc quan đánh thắng giặc Mỹ xâm lược tới quân và dân miền Nam.

Anh hùng LLVT Nguyễn Phan Vinh.
Con đường huyền thoại trên biển còn gắn với các anh, những thế hệ cha, chú. Tuy tuổi đời các anh còn trẻ, tương lai đang rộng mở, những hoài bão ước mơ của các anh còn dở dang, nhưng với lòng yêu quê hương, đất nước đã thôi thúc các anh quyết tâm vượt qua tất cả, dù phải vất vả, gian khổ, hy sinh, nhưng luôn ánh lên niềm lạc quan cách mạng, như trong một đoạn thư của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh viết trong một bức thư gửi cho người bạn thân là đồng chí Trần Phong, nguyên Quyền Đoàn trưởng Đoàn 125 Hải quân: “Chúng ta phải là những con lạc đà trên bãi sa mạc, mỗi bước đi, mỗi vết chân của chúng ta vì sự nghiệp của Đảng, chúng ta phải là những chiếc cầu chì, vui vẻ và lạc quan mà nhận lấy công tác ở những nơi nguy hiểm nhất. Và khi cần thiết, ta hy sinh tính mạng mình cho Đảng, cho nhân dân. Thời gian, thời gian sẽ ủng hộ chúng ta...".

Nguyễn Phan Vinh và nhiều những tấm gương anh hùng trên đoàn tàu không số đã và sẽ mãi là những huyền thoại. Các anh đại diện cho thế hệ trẻ của đất nước tích cực tham gia vào chiến trận với tinh thần lạc quan bởi họ luôn nung nấu một lý tưởng cao đẹp, một niềm tin chắc chắn rằng, sự hy sinh vì nghĩa của mình sẽ được nối tiếp, và sẽ thành công. Sự hy sinh của các  anh đã tiếp thêm sức mạnh cho những thủy thủ kiên cường vượt biển, góp phần làm nên chiến thắng Hồ Chí Minh lịch sử. Tấm gương sáng ngời lý tưởng cách mạng của các anh lại thắp sáng niềm tin cho thế hệ những người lính biển trẻ tuổi luôn chắc tay súng, vững tay lái, sẵn sàng ra khơi bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Trần Văn Đông