(Baonghean) - Chúng tôi đã đến cảng biển Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) đúng ngày những chiếc tàu cá lưới vây trở về. Trên bến, dưới thuyền, sản phẩm của nghề vây với đủ chủng loại như cá đốm, cá nục, cá ù, cá thu, cá bạc má... được khẩn trương vận chuyển từ tàu xuống bến và lên những chiếc xe tải để toả đi mọi miền.
Ông Trần Xuân Luyên - một chủ tàu vây ở xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Long phấn khởi cho chúng tôi biết: "Tàu nhà tôi công suất 500 CV, mỗi chuyến không quá 10 ngày đánh bắt được hàng chục tấn cá các loại. Hiện nay lao động rất hào hứng đi nghề vây. Vì thu nhập cao, và hầu hết họ đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi". Anh Phan Văn Hải, chủ tàu NA 94036 TS ở xóm Hợp Tiến, xã Quỳnh Lập kể: "Tôi đi nghề cá lưới vây rút chì được hơn 10 năm nay. Năm nào ra khơi, tàu tôi cũng "trúng" lớn. Có những năm thu nhập đạt trên 3 tỷ đồng. Như năm nay cá đốm rất được mùa, 6 tháng đầu năm tàu tôi đã được gần 500 triệu đồng, trừ chi phí dầu mỡ, công lao động rồi, thuyền viên đi trên tàu trung bình 1 tháng cũng được từ 7 - 8 triệu"
Không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với các nghề cá khác mà các đội tàu vây còn có nhiều ưu thế, đó là tàu to, máy lớn, được trang bị hiện đại, thường xuyên bám vùng khơi, nhất là vùng đánh cá chung, vùng giáp ranh với các nước bạn nên ý thức về chủ quyền vùng biển, làm chủ ngư trường khai thác luôn được các đội tàu vây nêu cao. Các đội tàu vây đã tăng cường liên kết với nhau trên biển, bán hoặc gửi sản phẩm cho tàu khác, thông tin khi có đàn cá và những mối nguy hiểm, đoàn kết, tương trợ nhau. Ông Hồ Xuân Nhượng - Chủ tàu vây NA 96059 TS, xã Quỳnh Nghĩa nói: "Đánh bắt ở vùng đánh cá chung thì trước khi ra ngoài đó anh em cũng rủ một tập đoàn từ 10 đến 30 chiếc trở lên để bám biển, vừa đánh bắt được sản lượng, vừa bám bảo vệ chủ quyền đất nước".
Vươn ra khơi, làm chủ ngư trường khai thác là hướng đi tích cực của nghề cá, chính vì vậy mà trong nhiều năm nay, huyện Quỳnh Lưu luôn quan tâm, động viên ngư dân đầu tư cải tiến, đóng mới tàu công suất lớn. Số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ của huyện đã phát triển khá mạnh với khoảng gần 1.000 chiếc. Trong những địa phương có nghề vây rút chì thì xã Quỳnh Long, đã thành công trong việc chuyển đổi nghề. Hiện nay, tổng số tàu vây của xã đã phát triển lên 30 chiếc. Ông Trần Quang Vệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết kinh nghiệm: "Việc cần thiết là phải cho những người chuyển đổi được dự các hội thảo về kỹ năng khai thác trong nghề vây bao gồm cả ngư trường khai thác trong từng vụ một; đội ngũ lao động phải được đào tạo thông qua các chương trình tập huấn của ngành Thuỷ sản như lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên. Đối với vốn ngoài việc UBND xã lập kế hoạch trình ngân hàng để vay, thì tổ chức vận động khơi dậy vốn nội tại trong địa bàn xã và ngoài địa bàn từ anh em, bạn bè, dòng họ".
Bên cạnh nguồn vốn và khoa học kỹ thuật để có thể vững vàng vươn khơi bám biển, các đội tàu vây cần được cấp phép để tham gia vào vùng đánh cá chung giàu tiềm năng. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu, cho biết: "Huyện đang cùng với tỉnh tiếp tục kiến nghị với trung ương phân bổ thêm chỉ tiêu cho huyện Quỳnh Lưu tiếp tục tăng cường thêm số lượng tàu có đăng ký giấy phép vào vùng đánh cá chung để tăng đội tàu vươn khơi xa..."
Nghề vây: Vững vàng vươn khơi
Thanh Nhàn