“Tôi không thiếu tiền làm bóng đá nhưng không thừa tiền chi cho những bản hợp đồng trên trời. Tiền ấy, tôi đi làm từ thiện, giúp người nghèo, tự nhiên thấy có ý nghĩa hơn”, bầu Thắng bộc bạch.
Là người đầu tiên chuẩn hóa mô hình doanh nghiệp cho đội bóng, dựng sân tập đạt chuẩn quốc tế, từng sở hữu hẳn một tờ báo Thể thao, bầu Thắng giống như ông chủ luôn đi tiên phong trong bóng đá, nhưng cuối cùng vẫn không thể trụ lại.
Sinh ra đã làm ông chủ
Cách đây 30 năm, ở vùng đất Phú Định, người ta thường thấy một cậu học trò vừa gầy, vừa thấp cứ cặm cụi đi hết từ xưởng gạch này đến xưởng gạch khác, những người công nhân thì tặc lưỡi chỉ trỏ một cách khó hiểu: “Thiếu gia, đang tuổi ăn tuổi chơi, ba mẹ nhiều tiền mà suốt ngày chỉ mê mẩn lò gạch”.
Cậu thiếu gia ấy chính là Võ Quốc Thắng, người mới 19 tuổi đã tiếp quản hãng gạch Đồng Tâm từ cha mình là ông Võ Thành Lân.
Ngay từ khi sinh ra, ông Thắng đã gắn bó với những viên gạch khi 2 tuổi cha ông thành lập xưởng gạch Đồng Tâm. Thừa hưởng gen kinh doanh của ba mẹ, nên thay vì quan tâm đến việc học ở trường, hay những thú vui của những thiếu gia tuổi mới lớn, ông lại có hứng thú với cái nghề mang tên rất nông dân - làm gạch.
Bầu Thắng kể lại rằng lúc đó, ông chỉ mới học hết cấp ba nên mọi chuyện ông đều phải bỏ ra thời gian để học hơn người khác gấp nhiều lần: “Tôi học các lớp tại chức, các lớp học kỹ năng mọi lúc có thể. Thời gian học của tôi có thể tính ngang bằng thời gian học của một người thi lấy bằng tiến sỹ, chỉ có như vậy mới có thể làm việc cùng với nhân viên của mình.”
Hỏi ông Đồng Tâm có phải là tài sản lớn nhất mà ông được thừa hưởng, bầu Thắng lắc đầu: “Tiền bạc không mang lại thành công, điều quan trọng là cách kiếm ra nó như thế nào? Tài sản lớn nhất mà ba mẹ cho tôi chỉ trọn vẹn trong ba chữ: Đức (Đạo đức), Khiêm (Khiêm tốn), Kiên (Kiên nhẫn). Cũng chính là kim chỉ nam của tôi trên thương trường.”
Bầu Thắng làm bóng đá
Nếu chỉ cần gặp bầu Thắng một lần, điều đầu tiên cảm nhận được ở ông là người cẩn thận, nhã nhặn trong giao tiếp. Đến những cử chỉ nhỏ như hút thuốc chơi chơi, gạt tàn thuốc vào lon bia rỗng, ông cũng không để vương lại một mẩu tàn nào. Ông thường mặc bộ vest màu đen, áo trắng và cà vạt đỏ vì theo ông, màu trắng thể hiện sự minh bạch, uy tín, màu đỏ là sự phát triển lớn mạnh, còn màu đen là màu của đất, vốn gắn bó với cuộc đời ông. Nhưng gặp bầu Thắng lần thứ hai, thứ ba, nhất là khi nói về bóng đá, ông lại như lột xác thành một con người khác. Cũng tao, cũng mày, cũng thằng nọ, con kia hết sức dân dã.
Người ta bảo ở thời điểm đã thu được danh tiếng, lợi nhuận từ bóng đá, bầu Thắng không còn hứng thú và chán muốn bỏ, khi ông không chịu dốc tiền đầu tư, khiến Đồng Tâm Long An phải xuống hạng cuối mùa V-League 2011, nhưng không phải vậy.
Nên nhớ rằng, hồi năm 2002 chính ông là người đã mời Calisto về Việt Nam, nhưng ông không nhận cho riêng mình mà lại giới thiệu cho VFF. Chỉ sau Tigers Cup năm đó, khi VFF sa thải Calisto, ông mới đón "thầy Tô" về Long An. Sau khi ông “Tô” mang về cho ĐTLA 2 danh hiệu vô địch, ông lại đề cử lên cho VFF, nhưng VFF chối bỏ. Đến năm 2008, dù ĐTLA gặp khá nhiều khó khăn, nhưng ông lại một lần nữa tiến cử ông “Tô” lên tuyển. Qua đó, bầu Thắng chứng minh ông đến với bóng đá không hẳn vì lợi ích cá nhân.
Bầu Thắng là người đầu tiên của làng bóng chuẩn hóa mô hình chuyên nghiệp. Ông có sân tập riêng đạt chuẩn quốc tế ở Bến Lức, có phòng nghỉ cho cầu thủ với các hệ thống phục hồi khép kín bài bản, ông cũng có hẳn một tờ báo thể thao riêng giống như các CLB hàng đầu nước ngoài.
Thay vì đầu tư mua cầu thủ giỏi, ông lại mua về HLV ngoại có bản CV ngon lành, vì ông cho rằng làm bóng đá lâu dài phải có cái nền vững, nhưng xem ra suy nghĩ của ông lạc hậu trong thời buổi “bão tiền” như hiện nay. Bây giờ, mấy cái phòng tạ, phòng tắm thủy lực, massage của ông để bụi bám tứ tung, tờ báo Thế giới Thể thao bị đình bản, còn ĐTLA của ông bị xuống hạng...
Hỏi ông chán bóng đá hay sao mà lại để ĐTLA xuống hạng dễ dàng vậy, bầu Thắng trầm ngâm: “Dân mình còn nhiều người khổ quá, tôi không thiếu tiền làm bóng đá nhưng không thừa tiền chi cho những bản hợp đồng trên trời. Tiền ấy, tôi đi làm từ thiện, giúp người nghèo, tự nhiên thấy có ý nghĩa hơn…”