(Baonghean) - Thắng lợi trong cuộc bầu cử trước thời hạn tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1/11 đã mang tới cho đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền một lợi thế lớn. Nhưng một kết quả đa số tại Quốc hội là chưa đủ để giải quyết những vấn đề hiện tại của “xứ sở thảm bay”. 

Thay đổi để chiến thắng
 
Gần 5 tháng sau thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 6 cũng như nỗ lực không thành công nhằm thành lập Chính phủ liên hiệp, đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền lại được tận hưởng cảm giác chiến thắng. Kết quả gần 49,7% số phiếu bầu dành cho AKP có thể coi là con số bất ngờ bởi những dự báo trước đó cho thấy, không bên nào có thể giành đủ đa số trong tổng số 550 ghế tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập chính chỉ giành được 23%, không đủ để tạo nên sự cạnh tranh với AKP
 
 
image_5846531.jpgAKP của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan giành thắng lợi với cam kết về an ninh và chống khủng bố.
 
Thực tế thì chiến thắng vừa qua hoàn toàn là một kết quả tất yếu, dễ hiểu nếu biết rằng AKP đã áp dụng chiến thuật khác sau thất bại hồi tháng 6. AKP và lãnh đạo của đảng này là Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tạm gác lại đề xuất sửa đổi Hiến pháp, đưa Thổ Nhĩ Kỳ từ chế độ Nghị viện sang chế độ Tổng thống và tăng quyền hạn của người lãnh đạo tối cao.
 
Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của AKP và cũng là một chủ đề gây nhiều tranh cãi tại đất nước này. Trong các chiến dịch vận động tranh cử lần trước, Tổng thống Erdogan thường có các bài phát biểu tuyên truyền về sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp, thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho AKP để đảng này hội đủ 400 ghế cần thiết tại Quốc hội.
 
Còn với lần bầu cử mới nhất, nội dung tuyên truyền của AKP xoáy vào những vấn đề nóng bỏng trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay như an ninh với các kẻ thù đang hủy hoại đất nước như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thông điệp của AKP là đảng này có nhiều kế hoạch an ninh đang dở dang và do đó cần được tạo điều kiện để thực hiện nốt phần còn lại vì lợi ích của người dân. Cách tiếp cận của AKP với cử tri cũng có những sự thay đổi khi đảng này giảm bớt tần suất xuất hiện trước công chúng của lãnh đạo.
 
Chiến lược tranh thủ bầu không khí căng thẳng trong nước, thuyết phục người dân lựa chọn giữa bất ổn và một trật tự được sắp đặt bởi AKP đã tạo nên sự khác biệt. Một bộ phận lớn cử tri Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đồng tình với quan điểm rằng bất ổn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển và họ muốn trở lại giai đoạn được lãnh đạo bởi một chính đảng duy nhất, để chính quyền có thể dễ dàng có những phản ứng cương quyết chống lại chủ nghĩa khủng bố.  
 
Những thách thức không dễ giải quyết
 
Nỗ lực vừa qua đã mang lại thành quả rõ ràng cho AKP, nhưng tương lai phía trước không phải một bức tranh màu hồng với rất nhiều thách thức đang chờ đợi.
 
Trước hết là bài toán kinh tế đã làm đau đầu các lãnh đạo của AKP từ nhiệm kỳ trước. Chính sách quản lý đất nước với “Bàn tay Sắt” mà AKP liên tục áp dụng trong 13 năm cầm quyền vừa qua không còn tác dụng tạo ra động lực tích cực với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Kinh tế liên tục lao dốc, kéo theo sự sụt giảm tín nhiệm của dân chúng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này từng được dự báo ở mức từ 6 - 7 %/năm, nay bị hạ xuống còn từ 4 - 5% trong ít nhất là 3 năm tới.
 
 
Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng AKP sẽ giúp giải quyết những bài toán kinh tế và an ninh.
 
Trong bối cảnh như vậy, gánh nặng do dòng người nhập cư từ các nước láng giềng tạo ra càng kéo lùi các chuẩn mực an sinh xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo số liệu chính thức, 1,9 triệu người Syria trốn chạy khỏi cuộc nội chiến đang tị nạn tại nước này, nhưng chỉ có rất ít (khoảng 250.000 người) được sinh sống tại 25 khu trại tị nạn do Chính phủ xây dựng. Phần đông người tị nạn còn lại cư trú rải rác ở nhiều nơi trên khắp cả nước, làm gia tăng sự bất bình trong các cộng đồng bản địa.
 
Người tị nạn không được kiểm soát đang được cho là nguyên nhân của tỷ lệ phạm tội gia tăng, giá sinh hoạt bị đội lên, đặc biệt là chi phí thuê nhà ở, tạo ra gánh nặng không nhỏ lên hệ thống y tế và mạng lưới an sinh xã hội địa phương. Trong khi đó, tiền viện trợ của Liên minh châu Âu chi vào việc xây dựng các điểm tiếp nhận người tị nạn vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ mà cả châu Âu lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều đang chờ đợi một giải pháp cuối cùng.
 
Ngoài ra, những kế hoạch an ninh và chống khủng bố cũng sẽ khiến chính quyền mới phải nhọc công giải quyết nhằm đáp ứng kỳ vọng của dân chúng trong cuộc bầu cử vừa qua. Việc Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn tham gia vào chiến dịch quân sự chung chống IS do Mỹ đứng đầu hẳn là sẽ mang tới những tác động trái ngược.
 
Nếu còn do dự trong cuộc chiến chống IS, rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tổ chức này phát triển. Nhưng tiến hành các chiến dịch an ninh chống IS cũng khiến nước này trở thành tâm điểm mới của khủng bố, mà bằng chứng cụ thể là 2 vụ đánh bon đẫm máu làm 102 người thiệt mạng tại thủ đô Ankara hồi đầu tháng trước. Một khi không khí bạo lực, khủng bố được châm ngòi trở lại, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khích lệ cộng đồng người Kurd ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ vốn ấp ủ tham vọng tách ra thành lập một nhà nước độc lập. 
 
Thanh Sơn