Đây cũng là dịp bà con dân tộc thiểu số dùng nhựa mít và các dụng cụ khác băng qua những cánh rừng bắt ve sầu để kiếm thêm nguồn thu nhập.
Những năm trở lại đây, từ tháng 5-6 dương lịch, người dân xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lại rủ nhau vào rừng bắt ve sầu. Công việc chủ yếu diễn ra ban đêm từ 20h giờ đến 5h sáng. Mặc dù công việc vất vả nhưng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con người dân tộc Thái nơi đây. Bởi những món ăn được chế biến từ ve sầu ngày càng được nhiều thực khách ưa chuộng và tìm mua.
Chia sẻ về cách săn bắt ve sầu với PV, chị Lò Bích Nga, bản Phát (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết: "Ve sầu rất thích đậu ở cành cây cà phê, cây thông, xoài, nhãn... chúng trú ngụ thành từng tốp từ 3-4 con. Để bắt được ve sầu, tôi dùng nhựa mít, nhựa các loại cây khác bôi lên cành cây lay nhỏ dài khoảng 6m rồi dùng để dính vào cánh của chúng.
Chúng tôi thường bắt ve vào ban đêm. Dụng cụ cần phải có trong quá trình bắt đó là đèn pin, dao, giỏ hoặc túi nilon. Có ngày tôi bắt được khoảng 5kg, sau đó tôi mang ra chợ Nà Si, chợ cóc gần quốc lộ 6 bán với giá 150.000-200.000đồng/kg".
“Cách thứ 2 có thể bắt được ve sầu mà không cần lên rừng, tôi chặt cành cây cao hơn 1 mét về đặt trước sân nhà. Sau đó tôi chuẩn bị đèn pin, ống nhựa, hộp sữa bột đã qua sử dụng hoặc những hộp nào phát ra được tiếng động to và tốt, rồi bỏ nhiều viên sỏi nhỏ vào ống lắc đều để tạo âm thanh giả, rụ ve sầu bay về đậu vào lúc chập tối, rồi bắt bằng tay không. Cách làm này tuy nhàn hơn nhưng không bắt được nhiều bằng đi soi ban đêm”, chị Lò Bích Nga, bản Phát thông tin thêm.
Trước đây ve sầu chỉ là món ăn chơi, thỉnh thoảng đồng bào dân tộc vùng cao rủ nhau đi bắt về làm mồi nhậu. Tuy nhiên những năm gần đây, nhu cầu người dân sử dụng món này tăng cộng với các quán ăn ẩm thực cũng tìm mua ngày càng nhiều, nên có rất đông người đi bắt ve sầu về bán kiếm lời.
Theo chị Nga chia sẻ: “Nhiều năm đi bắt ve sầu nên tôi biết được chỗ nào tập trung nhiều ve, chỗ nào ít. Có ngày tôi leo lên các triền đồi có rừng rậm mất khoảng 2h đồng hồ để bắt ve là chuyện bình thường. Chịu khó đi xa 1 chút, nhưng đổi lại thu nhập từ việc bắt ve sẽ cao hơn. Mỗi mùa (khoảng 2 tháng) ít cũng được 10-15 triệu đồng, năm nhiều có lúc tôi cũng kiếm gần 20 triệu đồng từ bán ve sầu. Dù là nghề săn bắt mùa vụ, nhưng ít nhiều cũng mang thu nhập đáng kể cho người dân chúng tôi”.
Theo một số thương lái ở huyện Mai Sơn (Sơn La), giá thu mua ve sầu dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg tùy theo từng loại. Anh Sa Văn Ka, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn cho biết: “Ve sầu làm được khá nhiều món ngon như ve chiên bột, ve xào sả ớt, ve rang lá chanh,... được rất nhiều người ưa thích. Vài năm gần đây, nhu cầu người dân khoái khẩu món ăn này ngày càng nhiều. Cũng vì thế mà nhiều bà con dân tộc đi bắt ve ăn chơi chuyển dần thành những “thợ săn” chuyên nghiệp mang về bán. Có ngày tôi thu mua từ 70-80kg ve sầu giao bán cho các nhà hàng ở TP. Sơn La, Hà Nội”.
Ve sầu được coi là một trong những món đồ nhậu dân dã, được nhiều cánh mày râu ưa thích, nhất là khi món ăn này xào sả ớt giòn tan mà được uống cùng với một chút rượu, bia thì quả là sự kết hợp hoàn hảo. Thế nên, món đặc sản ve sầu trở nên nổi tiếng ở vùng Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng và được nhiều thực khách lựa chọn trong các bữa cơm đãi khách quý và người thân.