(Baonghean) - Nhằm mục đích chống “vàng hóa” nền kinh tế, bình ổn thị trường vàng để ổn định kinh tế vĩ mô, ngày 3/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2012.

Theo quy định của Nghị định thì hoạt động mua, bán vàng được đưa vào ngành kinh doanh có điều kiện, theo đó từ ngày 10/1/2013 chỉ những điểm giao dịch được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được kinh doanh vàng miếng. Có khoảng 5.600 cửa hàng vàng chỉ còn được kinh doanh vàng trang sức; trong số 8.000 cửa hàng kinh doanh vàng miếng chỉ có 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng với tổng cộng 2.400 điểm giao dịch trên cả nước được cấp phép kinh doanh, 70% các điểm giao dịch vàng miếng đã bị xóa sổ. Ngân hàng Nhà nước giao cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sản xuất vàng miếng, lấy đó làm thương hiệu vàng quốc gia. Vàng miếng SJC “một mình một chợ” đã tăng giá lên chót vót, trong khi các thương hiệu vàng khác đều tụt dốc, bị bán tháo, bị ép giá. Ngân hàng Nhà nước lại quy định được chuyển đổi vàng miếng phi SJC sang vàng miếng SJC với phí chuyển đổi chỉ 50.000 đồng/lượng.

794278_small_95689.jpg

Giao dịch vàng tại Chi nhánh vàng Agribank Bắc miền Trung.  Ảnh: Quỳnh Lan

Theo thống kê của Công ty SJC, từ tháng 8/2012 đến cuối tháng 3/2013, lượng vàng phi SJC được chuyển đổi là 383.078 lượng (hơn 14 tấn), có đơn vị chuyển đổi  đến 5 tấn vàng. Với mức chênh lệch từ 2-3 triệu đồng/lượng giữa vàng phi SJC và vàng SJC, hàng chục tỷ đồng đã rơi vào túi những đơn vị có lượng vàng chuyển đổi lớn. Những động thái trên đây đã làm cho thị trường vàng bị đẩy vào cơn sóng gió, nhân dân phải mua vàng với giá cao hơn giá vàng thế giới từ 5-6 triệu đồng/lượng. Để bình ổn thị trường vàng, từ cuối tháng 3/2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 11 phiên đấu thầu vàng với tổng khối lượng 12 tấn. Trừ phiên đấu thầu đầu tiên giá sàn cao hơn giá thị trường, còn các phiên đấu thầu sau đó giá sàn thấp hơn giá thị trường từ 100 đến 300 nghìn đồng/lượng. Giá vàng tiếp tục bị đẩy lên sau khi có kết quả trúng thầu đã đem lại khoản lời lớn cho đơn vị trúng thầu, còn mục tiêu bình ổn thị trường vàng vẫn không đạt được. Có chuyên gia kinh tế đưa ra kịch bản: Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng với khối lượng lớn như vừa qua sẽ phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu vàng, không có lợi cho dự trữ ngoại hối; nếu việc đấu thầu vàng dừng lại thì không tránh khỏi tình trạng các đơn vị có nguồn vàng lớn sẽ găm hàng, ghìm giá để đầu cơ, sự chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới càng bị đẩy lên mức cao hơn.

Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế am hiểu lĩnh vực kinh doanh vàng thì Việt Nam đã quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một lối”. Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa có nước nào có chính sách chỉ duy trì một thương hiệu vàng quốc gia và độc quyền sản xuất vàng miếng như Việt Nam. Thực tế là sau khi có Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đã quản lý thị trường vàng bằng biện pháp hành chính, mệnh lệnh, bỏ qua quy luật vận hành của thị trường, dẫn đến sự bế tắc trong sản xuất và lưu thông vàng, tạo nên sự khan hiếm cung - cầu giả tạo.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để khắc phục những bất ổn trong quản lý thị trường vàng hiện nay, cần phải sửa đổi Nghị định 24. Phải quản lý toàn diện các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan đến vàng chứ không phải chỉ quản lý vàng trang sức và vàng miếng như trong nghị định quy định. Phải trả lại việc sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp chứ không thể độc quyền như hiện nay. Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, không tham gia vào quá trình sản xuất và lưu thông vàng. Các ngân hàng thương mại không nên đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phát sinh, nếu muốn kinh doanh vàng miếng, nên thành lập công ty vàng độc lập. Chống “vàng hóa” không thể bằng các biện pháp hành chính mà phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản) tại một trung tâm giao dịch hàng hóa tập trung, trong đó có vàng như nhiều nước trên thế giới đã làm.


TRẦN HỒNG CƠ