(Baonghean.vn) - Chiều ngày 8/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017. Với nhiều nét mới trong cách tổ chức thi, hình thức thi, đề thi, tuyển sinh...dự thảo đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các thầy giáo, cô giáo, học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.

Để có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này, Báo Nghệ An đã lấy ý kiến đóng góp của một số giáo viên, học sinh.

Học sinh Trần Đức Toàn, Lớp 12 A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng: Chúng em thực sự bất ngờ về quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đưa ra dự thảo phương án của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Bởi lẽ, thời điểm này học sinh lớp 12 đã bước vào năm học cuối cùng. Trong khi đó, chuẩn bị cho Kỳ thi đại học chúng em đã phải chuẩn bị suốt 3 năm.

Với riêng em, em chọn khối A nên sẽ có sự xáo trộn lớn, đặc biệt là ở môn Toán khi chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm. Tất nhiên, dù với hình thức nào thì chúng em cũng sẽ phải giải toán rồi mới có kết quả nhưng trước đây chúng em có 180 phút làm đề (với 10 bài). Nay chỉ có 90 phút  mà trả lời đến 50 câu hỏi là quá ít thời gian.

Ngoài ra, với thí sinh thi khối A, ngoài ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, chúng em đã phải học thêm hai môn Lý, Hóa. Hiện tại, nếu thi môn Khoa học Tự nhiên thì chúng em phải học thêm môn Sinh học là quá nhiều.

Em cũng băn khoăn về hình thức xét tuyển. Nếu tất cả các trường đều lấy kết quả của Kỳ thi THPT Quốc gia thì sẽ đơn giản và không khác nhiều so với các năm trước. Nhưng trong trường hợp các trường đại học sẽ tổ chức kỳ thi riêng, vậy thì chúng em phải thi nhiều lần, nhiều môn khác nhau, rất mệt mỏi.

images1681454_img_1035.jpgGiờ học của học sinh lớp 12 A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

Cô giáo Hoàng Thị Tân – Giáo viên dạy Toán, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng: Tôi  đã có 17 năm vào nghề và lâu nay vẫn dạy học toán làm bài theo hình thức tự luận nên nay sự thay đổi này chắc chắn sẽ có những khó khăn, nhất là trong thời điểm thời gian không còn nhiều.

Về khách quan tôi cho rằng, làm toán theo hình thức trắc nghiệm sẽ có những ưu việt như: kiến thức học sinh sẽ rộng và nhanh nhẹn hơn, phát huy tư duy tốt.

Tuy nhiên, cũng có những khó khăn để thay đổi một thói quen đã cố hữu. Muốn có kết quả cao, hiện tại chúng tôi phải thay đổi cách dạy. Trong đó, vừa phải đảm bảo cung cấp đủ kiến thức cho học sinh, vừa phải tìm cách đổi mới, xây dựng ngân hàng câu hỏi để học sinh có thể làm được đa dạng các kiểu bài. Một số nội dung cũng sẽ được điều chỉnh như như cắt một số dạng toán về đô thi hàm số, hình học...Quan trọng là phải tạo cho các em tư duy  nhanh nhạy, khả năng tính nhẩm nhanh, viết nhanh, bấm máy tính cũng cần nhanh.

Nói chung, với học sinh khối tự nhiên, tôi không quá lo lắng bởi bản chất các em là tư duy nhanh. Nhưng với những em chọn khối D tôi hơi lo lắng vì các em thường làm bài theo hướng chắc chắn, cẩn thận. Điều đó, nếu chỉ làm trong 90 phút là quá ngắn.

Thầy giáo Nguyễn Duy Long, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thúc Hứa, Thanh Chương: Dự thảo mới mà Bộ đưa ra, có khá nhiều nét mới và tác động đến tâm lý học sinh và phụ huynh. Trong đó, rõ nhất là về phương thức thi. Tôi cho rằng, việc chuyển từ bài thi tự luận sang bài thi trắc nghiệm sẽ có nhiều sự xáo trộn  bởi tư duy của tự luận và trắc nghiệm hoàn toàn khác nhau, cách học cũng khác nhau. Với những học sinh có học lực trung bình việc chuyển hướng cách học là không dễ dàng.  

Về phía các trường, liệu có bao nhiêu trường sẽ sử dụng kết quả của Kỳ thi THPT Quốc gia. Nếu các trường tổ chức thi riêng và được quyền tự chủ không loại trừ họ sẽ sử dụng phương thức không trắc nghiệm. Như vậy học sinh sẽ khó xoay chuyển và lúng túng trong làm bài và trên thực tế chưa giảm được gánh nặng thi cử.

Thay vì thi theo hình thức tự luận, trong dự thảo mới, môn toán sẽ được chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm

Phụ huynh Nguyễn Thị Hiền - Phường Lê Mao (TP Vinh): Tôi cảm thấy lo lắng khi hai kỳ thi đầu tiên, việc tổ chức đánh giá chưa đầy đủ, vẫn đang còn trong quá trình sửa đổi, Bộ đã thay đổi phương án mới. Điều này, thực sự gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và các cháu rất lo lắng khi năm học mới vừa bắt đầu.

Đổi mới là một quá trình, vì vậy sau khi đưa ra dự thảo, Bộ hãy lấy ý kiến đầy đủ rồi phải có một lộ trình điều chỉnh hợp lý để cho nhà trường, phụ huynh, học sinh có sự chuẩn bị. Việc một kỳ thi quan trọng mà điều chỉnh thường xuyên cũng không tốt, mục đích chính là vì quyền lợi học sinh chứ không phải đưa học sinh ra thí nghiệm.

Thầy giáo Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng: Là lãnh đạo nên tôi theo dõi rất kỹ những đổi mới ở dự thảo của Kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo tôi, so với hai kỳ thi đã  tổ chức trước đây thì việc đổi mới có những mặt tích cực đó là việc tổ chức sẽ gọn nhẹ  hơn (một cụm thi, ngày thi rút ngắn từ 4 ngày xuống 2 ngày).

Hiện, tôi cũng đã trao đổi với phụ huynh, học sinh và  thấy có những băn khoăn như: việc tổ chức các môn thi tổ hợp theo môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) theo ý kiến nhiều người là quá nhiều. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến hoang mang vì chưa biết sẽ tổ chức xét tuyển như thế nào (theo tổ hợp môn hay theo từng môn học) và các phương án xét tuyển của các trường Đại học trong năm tới.

Những băn khoăn này là điều dễ hiểu bởi Kỳ thi THPT Quốc gia là một kỳ thi quan trọng. Tuy vậy. nếu đọc kỹ dự thảo tôi thấy phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng vì những thay đổi này về hình thức có khác nhưng về bản chất không thay đổi.

Hơn thế, có nhiều điều thuận lợi hơn cho học sinh vì các em không phải kéo dài các ngày thi. Học sinh thi khối A thì chỉ phải học thêm môn Sinh học, học sinh thi khối C thì phải học thêm môn Giáo dục công dân và theo ý kiến cá nhân tôi, chắc chắn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng đề thi để có sự phân hóa hợp lý. Nếu mục tiêu chỉ là đậu tốt nghiệp là không quá khó. Còn nếu để xét đại học, theo quan điểm của Bộ chỉ lấy điểm theo môn thi (không phải theo tổ hợp môn) thì việc xét tuyển vẫn không thay đổi.

Điều mong muốn hiện nay của các nhà trường và học sinh đó là Bộ sớm công bố văn bản chính thức để các trường sớm chủ động xây dựng kế hoạch. Bên cạnh đó, các trường Đại học sớm công bố phương án tuyển sinh, tránh lo lắng cho học sinh và sớm có đề minh họa để học sinh sớm làm quen với cách ra đề mới.

NGƯT Lê Tiến Hưng, Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Phương án mới này nằm trong lộ trình đổi mới thi cử, về chủ trương là đúng và năm nay Bộ đã triển khai khá sớm và tích cực.

Thí sinh làm bài thi tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016

Trên tinh thần này, đề nghị Sở và các nhà trường cần sớm tiến hành hội nghị, hội thảo để bàn đổi mới cách dạy, cách học cho kịp thời, đáp ứng được tinh thần của đổi mới thi cử (đánh giá thi cử thế nào thì sẽ có cách dạy, cách học theo hướng đó), tránh sự bị động.

Ngoài ra dự thảo chỉ để lại một cụm thi là hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi chỉ cần sự kiểm tra giám sát của Sở Giáo dục và Đào tạo là được. Việc đưa thêm kiểm tra giám sát của các trường đại học, cao đẳng là cồng kềnh, không cần thiết.

Tôi cũng mong muốn, khi Bộ ban hành quy chế có thể nghiên cứu để giao việc tổ chức hội đồng coi thi cho cán bộ quản lý và thầy cô giáo trong trường THPT coi thi cho học sinh của trường mình. Nếu làm được điều này, thì sẽ đỡ tốn kém, đỡ cồng kềnh ngân sách của nhà nước nhưng đặc biệt là đảm bảo được tính nghiêm túc hơn việc luân chuyển giữa các hội đồng.

Nhưng, với một yêu cầu cao là phải đề cao trách nhiệm của hiệu trưởng (chủ tịch hội đồng coi thi) và phát huy dân chủ trong trường học đối với đội ngũ  thầy cô giáo trong nhà trường. Hình thức này Bộ đã chỉ đạo thực hiện trong những năm 80.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

TIN LIÊN QUAN