(Baonghean) - Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ BHYT, miễn, giảm học phí và hỗ trợ các chi phí học tập… thì việc tạo việc làm để người nghèo có thu nhập ổn định thông qua hỗ trợ sản xuất, mô hình kinh tế, đào tạo nghề… được xem là trụ cột chính để giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, độ thẩm thấu của những chính sách này vào thực tiễn còn nhiều điều phải bàn.

Khó nhân rộng mô hình kinh tế

Thông qua giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tại một số địa phương Kỳ Sơn, Quế Phong, Yên Thành, Diễn Châu và làm việc với một số sở, ngành cấp tỉnh trong những tháng vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, trong đó còn quá ít mô hình kinh tế giảm nghèo và quy mô thực hiện dàn trải.

Đơn cử, ngoài các mô hình kinh tế thuộc các chương trình 135 và 30a, giai đoạn 2012 - 2016 toàn tỉnh chỉ đầu tư xây dựng thêm được 13 mô hình giảm nghèo tại 13 xã thuộc 11 huyện với 681 hộ nghèo tham gia, tổng kinh phí thực hiện là 4,5 tỷ đồng; trong đó có 11 mô hình chăn nuôi bò lai sind tại các xã: Lục Dạ (Con Cuông), Châu Tiến (Quỳ Châu), Châu Đình (Quỳ Hợp)…; 1 mô hình nuôi gà ác tại xã Phúc Sơn (Anh Sơn); 1 mô hình trồng cây chanh leo tại xã Tri Lễ (Quế Phong).

1498046860905.jpgĐoàn công tác của HĐND tỉnh tìm hiểu và động viên người nghèo ở xã Tiền Phong (Quế Phong) vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Mai Hoa

Còn Chương trình 135, giai đoạn 2012 -2016 có tổng mức đầu tư hơn 140 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ thực hiện được 13 mô hình với tổng số vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng trong các năm 2012 và 2014 tại các huyện Tương Dương, Quế Phong. Lý giải về việc xây dựng mô hình thuộc chương trình này còn ít, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Lập - đơn vị được giao thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 cho hay: “Lâu nay, xã lấy ý kiến nhân dân rồi thống nhất nội dung làm mô hình trình lên để duyệt; chứ không như các chương trình khác là giao mô hình cụ thể để thực hiện.

Do đó, nếu xã không đăng ký mô hình lên thì không làm được. Đó là bất cập!”. Một lý do khác là nguồn vốn cấp về năm nào cũng chậm như năm 2017 đến cuối tháng 5 vẫn chưa có, do đó việc chủ động xây dựng làm mô hình gặp khó trong khi nông nghiệp phải sản xuất theo mùa vụ. Vì vậy, nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất chủ yếu tập trung vào hỗ trợ mua vật nuôi.

Về tính bền vững của các mô hình, cũng theo ông Nguyễn Văn Lập, ở vùng cao khi mô hình đã khẳng định được hiệu quả, Nhà nước rút khỏi mô hình để nhân dân tiếp tục thực hiện thì gặp khó khăn. Lấy ví dụ về việc cắt bỏ chính sách hỗ trợ giống lúa lai, ông Lập dẫn chứng: Khi HĐND tỉnh đưa ra khỏi danh mục trợ giá thì các địa phương 30a không đồng tình. Do đó, tỉnh phải cân đối kinh phí từ các chương trình 30a và 135 để hỗ trợ tiếp.

Nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế, Sở NN&PTNT tham mưu và Tỉnh ủy đã ban hành Đề án “Phát triển các thành phần kinh tế, làng nghề, làng có nghề, mô hình kinh tế chất lượng cao nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020”. Đề án có danh mục các mô hình từ nay đến năm 2020 để xây dựng và nhân rộng. Sắp tới, các địa phương nào xây dựng, nhân rộng mô hình nào đều căn cứ trong danh mục đó; trừ một số mô hình mới phải xin ý kiến các ngành để bổ sung.

Còn ở cấp huyện, theo đánh giá của đoàn giám sát HĐND tỉnh, một số địa phương chưa có giải pháp đột phá để xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, chủ yếu là hỗ trợ nâng cao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi thông qua các đợt tập huấn. Một số mô hình kinh tế tại các địa phương không phát huy hiệu quả dẫn tới lãng phí trong đầu tư, như mô hình bò lai sind, trồng rừng ở huyện Kỳ Sơn; mô hình nuôi lợn ở một số địa phương...

Thậm chí, ở Quế Phong là một trong những huyện 30a được đánh giá là có nhiều mô hình kinh tế thì việc nhân rộng cũng gặp khó khăn. Ông Nguyễn Đậu Long - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quế Phong cho biết: Trong vòng 5 năm lại đây, huyện đã triển khai xây dựng 25 dự án, mô hình kinh tế, như: cây chanh leo, cây lùng, cây dược liệu chè hoa vàng, lợn ở Sao Va, cá lồng, dưa nại...  Tuy nhiên, do đặc thù có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, phương thức, tập tục canh tác lạc hậu, chủ yếu tự cung, tự cấp, cộng với ý chí vươn lên thoát nghèo của đồng bào hạn chế, nên việc nhân rộng gặp khó khăn.

Cũng liên quan đến xây dựng mô hình kinh tế, Giám đốc Sở LĐ -TB&XH Nguyễn Bằng Toàn chỉ ra một nghịch lý, theo Quyết định số 1722/QĐ -TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 quy định: “Sở NN&PTNT trực tiếp chỉ đạo hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, Sở LĐ-TB&XH trực tiếp chỉ đạo hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo” là không hợp lý, không sát thực tiễn vì ngành Nông nghiệp chỉ đạo xây dựng mô hình, trong khi ngành LĐ  -TB&XH lại đi nhân rộng mô hình. “Từ kinh nghiệm thực tiễn qua chỉ đạo thì mới nhân rộng ra được. Trong khi giao cho ngành LĐ - TB&XH nhân rộng là không sát, nên nó ảnh hưởng là tất yếu”, ông Toàn bày tỏ. 

Mô hình trồng chanh leo ở Quế Phong được nhân rộng thành công. Ảnh: Thành Duy

Đào tạo nghề chưa đi vào thực chất

Đào tạo nghề được xem là trụ cột hết sức quan trọng trong giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn, miền núi, đặc biệt là cho các hộ nghèo khi nghề nghiệp được đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn tại địa phương hoặc trang bị nghề cho người lao động vào làm việc các nhà máy, xí nghiệp, xuất khẩu lao động. Huyện Diễn Châu đã tiếp cận công tác đào tạo nghề theo hướng này. Ông Trương Công Sửu - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Diễn Châu cho biết, bình quân mỗi năm địa phương này mở 20 - 30 lớp đào tạo nghề như trồng trọt, chăn nuôi, thú y…

Đặc biệt, với lợi thế trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp may, Trung tâm dạy nghề huyện đã liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề may, sau đó các lao động đều có việc làm. Tuy nhiên, số đối tượng hộ nghèo được đào tạo nghề còn hết sức khiêm tốn. Theo thống kê của UBND huyện Diễn Châu, giai đoạn 2012 - 2016, toàn huyện có 306 người nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề với tổng kinh phí hơn 210 triệu đồng.

Trong khi đó tại huyện Quế Phong, mặc dù huyện đã đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề với kinh phí hơn 14 tỷ đồng, nhưng để lao động vào học tại trung tâm là rất khó. Lâu nay, trung tâm phải phối hợp với các xã để mở lớp tận các thôn, bản, chủ yếu là chăn nuôi, thú y, chỉ duy nhất mở được lớp trung cấp nấu ăn gồm 35 học viên phục vụ các nhà hàng trên địa bàn huyện; còn việc kết hợp với các doanh nghiệp để đào tạo lao động đi làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp thì chưa làm được.

Ở xã Khánh Thành (Yên Thành) bình quân mỗi năm, địa phương tổ chức 3 - 4 lớp đào tạo nghề chủ yếu là khuyến nông, khuyến lâm, sửa chữa máy móc; trong đó tập trung ưu tiên cho đối tượng nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Châu - Bí thư Đảng ủy xã thì người nông dân nghèo thường tiếp cận và phát huy kiến thức sau đào tạo rất hạn chế, nên hiệu quả đào tạo chưa cao. 

Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nguyễn Bằng Toàn cho hay, đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu, tăng năng suất trong ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp song để hiệu quả được như mong muốn thì còn phải cố gắng. “Số vốn đầu tư cho công tác này còn ít. Hầu như chúng ta đang ưu tiên cho đầu tư cơ sở vật chất, còn đưa vào chi phí đào tạo còn khiêm tốn. Lâu nay công tác này đang thực hiện theo hình thực cầm tay chỉ việc, thời gian từ 3 tháng trở xuống nên còn mang tính chất hướng dẫn là chính”, ông Toàn lý giải nguyên nhân.  

Theo báo cáo từ Sở LĐ - TB&XH, giai đoạn 2012 - 2016, toàn tỉnh có 13.136 người nghèo được hỗ trợ học nghề, với tổng kinh phí là hơn 51,84 tỷ đồng. Trong đó 602 cao đẳng; 1.401 trung cấp; đào tạo và cấp chứng chỉ cho 9.127 người; 2.006 người được cấp giấy chứng nhận học nghề.


(còn nữa)

Mai Hoa - Thành Duy

TIN LIÊN QUAN