(Baonghean) - Ngày 7/3/2012, Bộ nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Tài chính họp lấy ý kiến trên toàn quốc của các địa phương, các công ty quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, các nhà hoạch định chính sách để thống nhất tăng giá cấp bù thủy lợi phí làm cơ sở sửa đổi Nghị định 115 trình Chính phủ ký.Theo tôi một số nội dung trong Nghị định 115 cần xem xét có thể sửa đổi cho phù hợp đúng với thực tiễn.


Thứ nhất, trong Hướng dẫn số 36/2009/TT - BTC của Bộ Tài chính về thi hành một số điều của Nghị định 115 tại phần II mục 2: Đối với diện tích đất, mặt nước các hộ gia đình, cá nhân giao khoán của các doanh nghiệp, nông lâm trường không thuộc phạm vi được miễn thủy lợi phí. Thực tế ở huyện Yên Thành những Nông trường trang trại trước đây sản xuất kinh doanh có cá thành phần đầy đủ như công nhân, bộ máy quản lý... nhưng sau này làm ăn không hiệu quả, thu nhập thấp không sống được bằng nghề nghiệp của họ do đó đến nay gần như giải thể. Phần đất sản xuất nông nghiệp khoán lại cho công nhân làm, chỉ để lại một số cánbộ quản lý. Vì vậy những người công nhân này thực chất là nông dân sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thu nhập thấp đời sống khó khăn.


Do vậy, những trường hợp này vẫn được miễn thủy lợi phí. Thực tế Công ty TNHHMTV Thủy lợi Bắc Nghệ An đã hợp đồng cấp nước với nông trường Trịnh Môn huyện Quỳnh Lưu nhưng không thu được thủy lợi phí. Nông trường Trịnh Môn đã làm báo cáo, tờ trình gửi các ban ngành cấp tỉnh để miễn thủy lợi phí cho họ nhưng chưa được do Nghị định 115 quy định như vậy.


Thứ 2, trước đây khi làm thủy lợi phí thì những địa phương miền núi thu ít hơn đồng bằng. Đó là việc làm đúng vì miền núi sản xuất khó khăn hơn, người dân thu nhập thấp chịu nhiều thiệt thòi, tất cả chi phí dịch vụ thủy lợi ở miền núi cao hơn ở đồng bằng. Nhưng khi cấp bù thủy lợi phí thì miền núi được cấp ít hơn là không phù hợp với thực tế.


Cho nên, cấp bù thủy lợi phí thì miền núi phải nhiều hơn đồng bằng. Điều đó sẽ tránh và hạn chế được tiêu cực trong cơ chế xin cho ở các địa phương (Thủy lợi phí cấp bù miền núi không đủ trang trải chi phí, các tỉnh phải điều tiết hỗ trợ).


Thứ 3, về giá thủy lợi phí, theo Nghị định số 112 - HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 25/8/1984 Thủy lợi phí thubằng khối lượng thóc kg/ ha đất trồng lúa (được tính bằng tỷ lệ % nhân với sản lượng cây trồng). Ngày 28/11/2003, Nghị định 143 được ban hành quy định thủy lợi phí bằng tiền dựa trên cơ sở mức thu bằng lượng của Nghị định 112 trước đây nhưng giá thóc để tính từ 1.350 đồng/kg đến 1.500 đồng/kg.


Ngày 14/11/2008 Nghị định 115 ra đời và bắt đầu thực hiện từ năm 2009, giá thu thủy lợi phí được điều chỉnh từ 2.800 đồng/kg đến 3.200 đồng/kg. Nhưng đến nay giá thóc trên thị trường là 5.000 đồng/kg. Như vậy mức thu thủy lợi phí hiện nay gấp mức thu thủy lợi phí ở Nghị định 115 từ 1,6 đến 1,8 lần mới phù hợp.


Lê Cường