(Baonghean.vn) - Sáng 17/11, Hội thảo “Nghiên cứu bước đầu về Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen trên địa bàn tỉnh Nghệ An” đã được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP Vinh.
Năm 2013, trên cơ sở chủ trương của Bộ KH&CN, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện từ 2014- 2020, đưa vào danh mục 34 nguồn gen động thực vật và vi sinh vật bảo tồn theo từng giai đoạn.
Năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt 4 đề tài bảo tồn nguồn gen thực hiện trong năm 2014 (3 đề tài về công tác bảo tồn cây dược liệu quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Nghệ An, 01 đề tài về công tác bảo tồn nguồn gen vật nuôi).
Nghệ An có nguồn gen động, thực vật và vi sinh vật phong phú, đa dạng. Những năm qua, công tác bảo tồn nguồn gen được chú ý triển khai và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nghệ An đã tập trung bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen thực vật (cây lương thực, ăn quả, rau màu, cây lâm nghiệp, dược liệu); nguồn gen vật nuôi; nguồn gen thủy sản. Nguồn gen nhiều loại cây trồng, vật nuôi quý hiếm đã được bảo tồn, khai thác và phát triển như cây Mutừn tại huyện Quế Phong, cây trà hoa vàng, các loại đẳng sâm có nguy cơ tuyệt chủng tại vùng núi cao Nghệ An, quỹ gen trâu Thanh Chương….
Đặc biệt, khai thác và phát triển nhanh các nguồn gen thành sản phẩm thương mại, tập trung khai thác các nguồn gen có đặc điểm quý, giá trị kinh tế thành các giống bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh, tạo ra một số sản phẩm đặc thù, chủ lực của từng địa phương phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa…
Thời gian tới, Nghệ An chủ trương tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo tồn và lưu giữ an toàn các nguồn gen hiện có, khai thác sử dụng bền vững, có hiệu quả các nguồn gen; tìm kiếm, thu thập và đưa vào bảo tồn các nguồn gen bản địa mới được phát hiện; trao đổi thông tin với mạng lưới quỹ gen quốc gia...
Phú Hương