Cùng PV Báo Nghệ An kiểm tra, đối chứng lại hiện trường trong ngày 27/7/2020 có các cán bộ của huyện Quỳ Hợp, gồm các ông: Cao Thế Bảo - chuyên viên Phòng TN&MT; Hà Huy Nhâm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao - Truyền thông Quỳ Hợp.
UBND huyện Quỳ Hợp phản hồi như thế nào về tình trạng khai thác trái phép ở xã Châu Hồng?
Có sự sai lệch bản chất
1. Tại Văn bản số 705/UBND-TNMT của UBND huyện Quỳ Hợp, về các hình ảnh mở đường đi vào điểm có dấu hiệu khai thác quặng đá thạch anh, được giải thích: “… con đường này là do gia đình ông Nguyễn Văn Năm thường trú tại bản Poòng xã Châu Hồng đã mở từ năm 1997, để vào trồng và vận chuyển keo, thời gian gần đây có khoảng 15ha keo đã đến kỳ thu hoạch nên gia đình ông Năm và một số hộ dân đã nâng cấp mở rộng và hạ độ cao, thuận lợi hơn cho quá trình vào vận chuyển keo”.
Tại bài viết “Làm rõ vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An”, con đường được mô tả là đấu nối với khe cạn ở cầu Châu Hồng 1, uốn theo vùng đồi đất lâm nghiệp đang được trồng cây keo có độ tuổi từ 4 - 5 năm. Tuyến đường này được làm khá công phu. Người ta đã cắt hạ chiều cao các sườn đồi, khai mở tuyến đường đủ rộng để xe có tải trọng lớn vào ra dễ dàng.
Thực tế cho thấy, tuyến đường này có bề mặt khá rộng, khoảng 5m, được mở trên đất lâm nghiệp của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Năm - là Trưởng bản Poòng, xã Châu Hồng. Trên tuyến đường, có nhiều vị trí nền đất yếu đã được rải đá.
Có những đoạn, để giảm độ dốc, người ta đã cắt hạ đất và đá núi tới 6 - 7m. Toàn tuyến đường vào đến khu vực có dấu hiệu khai thác trái phép dài khoảng 1 km, ảnh hưởng tới khoảng 1ha đất lâm nghiệp và cây keo đã trồng (bên phía ta-luy âm có nhiều cây keo nghiêng đổ). Cuối tuyến đường, được chia thành hai nhánh rẽ. Một nhánh đi ngược lên đồi cao, có bề mặt chỉ đủ cho phương tiện vận tải nhỏ. Trên đồi có thể hiện một rừng keo rộng khoảng dăm ha keo đã được khai thác, và đã trồng mới cây keo non. Nhánh còn lại, có bề mặt rộng (đủ để xe có trọng tải lớn vào ra, hoặc quay trở) đi thẳng vào khu vực có tình trạng đào bới, nổ mìn khai thác đá.
Với hiện trạng nói trên, việc mở đường gồm 2 mục tiêu vận chuyển cây keo và vận chuyển quặng đá sau khi khai thác. Nhưng mục tiêu chính, có thể khẳng định là để vận chuyển quặng đá khai thác trái phép. Cũng về nội dung này, trên đường cùng với các cán bộ của huyện Quỳ Hợp vào hiện trường, PV Báo Nghệ An đã xác minh một số người dân trong khu vực thì nhận được câu trả lời: “con đường được làm cuối năm 2019, do những người khai thác đá thực hiện…”.
2.
Tuy nhiên qua xác minh của PV và những người cùng đi, tại hiện trường có rất nhiều quặng đá đã được gom thành đống, hoặc xếp gọn hai bên lối phương tiện vận tải vào ra. Có những khối đá lớn, kích thước lên đến 2 - 3m3.
Cũng tại hiện trường thể hiện, có những vị trí, các đối tượng đã sử dụng đến vật liệu nổ để khai thác trái phép; có những vị trí, các đối tượng đã sử dụng thiết bị máy móc chuyên dụng để đào bới, khai thác.
Với thực tế hiện trường có độ dốc, có nhiều quặng đá, có tình trạng đào bới, nổ mìn khai thác quặng đá…, cho thấy việc UBND huyện Quỳ Hợp qua kiểm tra cho rằng là do một hộ dân “thuê máy xúc, đào bới lên để cải tạo, san mặt bằng để thuận tiện cho việc sản xuất, làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả cao…” là không chính xác.
3.
Về nội dung này, qua tìm hiểu được biết, ngày 16/7/2020, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã thực hiện điều tra hiện trường, xác minh thông tin Báo Nghệ An phản ánh. Trong quá trình điều tra hiện trường, Tổ công tác đã phá bỏ một lều lán, tạm giữ một máy nén hơi. Cũng qua tìm hiểu, từ ngày 16/7/2020 trở về trước, UBND huyện Quỳ Hợp không hề nhận được báo cáo của UBND xã Châu Hồng về việc “phát hiện có dấu hiệu khai thác đá trái phép”.
Ở bài “Làm rõ vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An” thông tin, vào ngày 14/7/2020, PV Báo Nghệ An đã xâm nhập hiện trường. Kèm bài viết có hình ảnh thể hiện rõ một lán trại phủ bạt nằm trong khu vực có tình trạng khai thác trái phép quặng đá. Tại lán, có các vật dụng sinh hoạt và một số xe máy Honđa Win.
Khớp nối các thông tin, nhận thấy cần xem xét lại việc UBND xã Châu Hồng có báo cáo đã thực hiện kiểm tra phát hiện và ngăn chặn khai thác khoáng sản trong ngày 14/7/2020.
Không dung dưỡng sai phạm!
Trở lại bài viết “Làm rõ vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An” ngày 16/7/2020, tại đây Báo Nghệ An ngoài thông tin những dấu hiệu về hoạt động khai thác trái phép quặng đá thì đã đặt ra vấn đề cần xem lại vai trò quản lý nhà nước của các cấp, ngành, đơn vị đứng chân trên địa bàn; đặc biệt là với chính quyền xã Châu Hồng!
Sở dĩ đặt ra vấn đề này, bài viết đã phân tích: khu vực diễn ra tình trạng khai thác trái phép nằm trong vùng đất lâm nghiệp đã được Nhà nước giao cho người dân quản lý, trồng rừng; vùng đất này, chỉ cách cụm dân cư bản Poòng và tuyến Quốc lộ 48C chỉ khoảng 2km; việc cắt hạ, khai mở tuyến đường là có quy mô lớn, phải diễn ra trong một thời gian dài; để khai thác, vận chuyển quặng đá, các đối tượng liên quan sẽ phải sử dụng các phương tiện chuyên dụng cỡ lớn… Rõ ràng nếu chính quyền địa phương làm đúng với chức trách nhiệm vụ được giao, rất dễ dàng phát hiện để kịp thời ngăn chặn và xử lý được các đối tượng có hành vi khai thác trái phép khoáng sản.
Cũng tại bài viết “Làm rõ vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An”, Báo Nghệ An đã nhắc đến Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/3/2017 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó nêu rõ lý do UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-CT là bởi tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách, hủy hoại môi trường, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đồng thời cũng nhắc đến việc UBND tỉnh sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Với những nội dung của bài viết này, Báo Nghệ An có thiện chí mong muốn chính quyền huyện Quỳ Hợp biết về một thực trạng ở địa phương cơ sở trong phạm vi quản lý để khẩn trương vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Qua đó ngăn chặn được tình trạng khai thác trái phép khoáng sản xảy ra trên địa bàn; đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước của chính quyền xã Châu Hồng nói riêng, và nhắc nhở các chính quyền cấp xã trên địa bàn cùng các đơn vị, phòng ban trực thuộc nói chung có ý thức hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, UBND huyện Quỳ Hợp chưa có thiện chí tiếp thu những phản ánh, góp ý trong bài viết “Làm rõ vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An”. Không chỉ vậy, UBND huyện Quỳ Hợp đã phát hành Văn bản số 705/UBND-TNMT (gửi đến Báo Nghệ An và các cơ quan cấp trên)với những thông tin đã làm sai lệch bản chất vụ việc, có tính chất bao biện cho chính quyền xã Châu Hồng, thậm chí có dấu hiệu dung dưỡng cho những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép...
Vì vậy, Báo Nghệ An đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá lại vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Vụ việc khai thác trái phép quặng đá có tổ chức và có quy mô không hề nhỏ trên địa bàn xã Châu Hồng là rất rõ ràng; UBND huyện Quỳ Hợp cần kiểm tra, làm rõ các đối tượng liên quan; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật!