Việc Trung Quốc cấp tập xây dựng đường băng và mở rộng các đảo trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam bị phanh phui đã khiến báo giới quốc tế “dậy sóng.”
Ngay sau khi các hình ảnh vệ tinh của công ty DigitalGlobe được công bố, tờ Nhật báo Phố Wall (Wall Street Journal- WSJ) có uy tín của Mỹ đã có bài viết khẳng định hai đảo Quang Hòa và Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đã được mở rộng đáng kể sau các hoạt động bồi đắp, cải tạo gần đây của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng đường băng đầu tiên trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cải tạo và xây mới đồng thời 7 đảo nhỏ khác.
Các chuyên gia quốc phòng nhận định đường băng Trung Quốc đang ráo riết xây dựng sẽ đủ rộng để các loại máy bay chiến đấu, máy bay vận tải và do thám cất, hạ cánh để tiếp liệu phục vụ mục đích quân sự.
Dẫn lời Chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, WSJ nhận định Trung Quốc có thể triển khai radar và hệ thống tên lửa tại các đảo nhân tạo để tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại đây như từng tuyên bố tại khu vực biển Hoa Đông năm 2013.
Trang tin chính trị Nhà Ngoại giao (The Diplomat) cho biết tại đảo Phú Lâm, Trung Quốc đã thay thế đường băng cũ bằng một đường băng mới dài 2.920m, mở rộng khu hậu cần cho máy bay và xây mới nhiều tòa nhà lớn sát nhau.
Trong khi đó, đảo Quang Hòa được mở rộng bằng hoạt động nạo vét và cắt phá san hô với diện tích tăng thêm 50% so với một năm trước đây.
Cũng theo The Diplomat, trong những tháng gần đây, Bắc Kinh tăng cường bêtông hóa các đảo nhằm mở rộng quyền kiểm soát khu vực này, bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng.
Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ), nhật báo uy tín nhất của Đức, cũng đăng bài của tác giả Christoph Hein phân tích những động thái tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo bài báo, Trung Quốc đã dùng sức mạnh và mọi biện pháp để tăng cường ảnh hưởng như cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Indonesia, Thái Lan, Pakistan; cung cấp gói hỗ trợ phát triển cho Nepal; chiếm giữ và mở rộng các đảo trên Biển Đông; tung ra những kế hoạch “đa phương” như dự án thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và “Con đường tơ lụa.”
Cũng liên quan đến tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 17/4 trên trang báo điện tử của kênh truyền hình Quốc gia Đức phát ra nước ngoài - Sóng Đức (Deutsche Welle - DW) - giáo sư David Rosenberg thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho rằng việc cải tạo, xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trước tiên để phục vụ các mục đích quân sự.
Theo ông, chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông rất tham vọng với mục tiêu tăng cường sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ để củng cố các đảo đang chiếm giữ và mở rộng kiểm soát các khu vực trên Biển Đông trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn,” qua đó nhằm “bảo vệ” yêu sách chủ quyền lịch sử và các lợi ích của Trung Quốc về hàng hải cùng tài nguyên dầu khí.
Giáo sư Rosenberg cho rằng để hiện thực hóa mục tiêu trên, Trung Quốc đã củng cố các hạm đội và cơ sở quân sự ở nhiều đảo ở Trường Sa và nước này không do dự trong việc sẵn sàng sử dụng tàu quân sự để bảo vệ, hộ tống cho ngư dân của họ.
Ngoài ra, các báo lớn như Tấm gương (Der Spiegel) của Đức, Le Figaro của Pháp, kênh truyền hình uy tín N-TV của Đức cũng đăng bài viết nhấn mạnh việc Trung Quốc xây đường băng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông là “cao trào mới” trong tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Dẫn phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, các trang tin châu Âu tỏ ra đặc biệt quan ngại trước việc Trung Quốc tiến hành xây dựng, mở rộng các đảo, bãi đá chiếm đóng phục vụ mục đích quân sự cũng như phá vỡ nguyên trạng, tạo “sự đã rồi” tại Biển Đông./.
Theo Vietnamplus