Báo New York Times (NYT) nêu chuyện quân khủng bố IS trấn lột tiền dân nghèo, bằng cách lập một hệ thống quan liêu bạo lực nhằm trấn lột từng đồng bảng Syria của người dân sống trong vùng đất do chúng kiểm soát ở Syria và Iraq.
Theo NYT, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS dùng kiểu trấn lột này để thực hiện mục tiêu xây dựng một chính phủ đáng tín nhiệm. Chúng lấy sạch từng đồng dinar Iran hay đồng USD cuối cùng của những người đi ngang qua lãnh thổ của chúng.
IS bày ra vô số loại “thuế, phí”, sáng đánh, chiều thu
3 tháng một lần, Mohammad al-Kirayfawai (38 tuổi) phải “cúng” 300 USD cho IS, để được lái chiếc xe tải lạnh chở đầy kem cùng những thứ rau quả dễ ung thối từ Jordan đến một vùng ở Iraq do IS kiểm soát.
IS ở chốt biên giới xem số tiền này là “thuế nhập khẩu”. Chúng cấp cả giấy biên nhận có đóng mộc, logo và dấu triện của IS. Kirayfawai cần giấy này để đi qua các chốt kiểm soát khác trên đường giao hàng. Anh nói nếu không chịu chung chi thì anh sẽ bị chúng bắt hoặc bị đốt xe.
NYT đã phỏng vấn hàng chục người trốn thoát từ các vùng đất của IS, cùng các quan chức Trung Đông và phương Tây đang truy tìm nguồn tài chính của chúng. Tờ báo biết được IS thu “phí cầu đường”, “phí giao thông đường bộ”, tiền thuê trụ sở công, phí sử dụng điện - nước, thuế thu nhập, thuế nuôi trồng, cùng các khoản phạt những vi phạm như hút thuốc lá, mặc quần áo không đúng quy định.
Louise Shelley, Chủ nhiệm Trung tâm chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và tham nhũng thuộc Đại học George Mason (Mỹ) nói: “Sáng chúng lo đánh, đến chiều thì thu thuế”.
Cho đến nay, phương Tây nêu nguồn thu chủ đạo của IS là buôn lậu dầu thô, cướp két sắt ngân hàng, hôi đồ cổ, bắt cóc con tin nước ngoài để đòi tiền chuộc, cùng việc quyên được tiền từ những kẻ giàu có ở vùng Vịnh ủng hộ IS. Các khoản này giúp IS trở thành tổ chức quân sự giàu nhất thế giới.
Nhưng khi các quan chức phương Tây và Trung Đông biết được nhiều hơn về nguồn tài chính của IS hồi năm ngoái, họ đều nhất trí rằng nguồn tiền mặt lớn nhất là do quân khủng bố IS trấn lột của dân nghèo, cùng các hoạt động làm ăn mà chúng kiểm soát.
Sau vụ tấn công Paris tối 13.11 khiến 130 người chết, Mỹ đánh phá mạnh vào các hoạt động sản xuất và buôn lậu dầu thô của IS. Trước vụ tấn công này, Mỹ chỉ ném bom hạn chế vì sợ gây tổn thất lớn và lâu dài cho hai nền kinh tế Iraq - Syria. Trong tháng 11, chiến đấu cơ Mỹ đã đánh một đoàn xe tải chở dầu ở phía đông Syria, phá hủy 116 xe.
Tuy nhiên, nhiều quan chức và chuyên gia nói rằng IS vẫn có thể bù đắp sự mất mát mà không cần đến tiền bán dầu thô. Vì thế, khi nào IS còn kiểm soát những vùng đất lớn ở Syria và Iraq - gồm những thành phố lớn - thì việc buộc chúng phải phá sản sẽ mất nhiều thời gian hơn là ném bom các xe chở dầu.
"Xin" thêm tiền vì "đất nước chúng ta đang có chiến tranh"
Theo một số quan chức Âu - Mỹ ước tính, nguồn thu từ các loại “thuế, phí” trên đạt tổng cộng hàng chục triệu USD/tháng, gần 1 tỉ USD/năm. Cho đến nay, nguồn thu này không bị sự cấm vận hoặc bị các cuộc ném bom của Nga và liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu tác động.
Seth Jones, một chuyên gia về khủng bố ở Tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) nói: “Ném bom chỉ như châm kim bọn IS, trừ phi có thể chặn được việc chúng kiếm tiền mặt ở những vùng mà chúng kiểm soát”.
Ở các vùng đó, IS dùng mối đe dọa bạo lực để trấn lột người dân, doanh nghiệp. Ở quận Bab al-Tob của thành phố Mosul (Iraq), IS chuyển đồn cảnh sát có từ thế kỷ 19 thành một ngôi chợ với 60 sạp bán rau quả. Mức thuê một sạp là 2,8 triệu dinar Iraq, tương đương 2.500 USD.
Tại “thủ phủ” Raqqa của IS có “Sở dịch vụ” Diwan al-Khadamat, là cơ quan cử “cán bộ thuế” đi khắp thành phố để thu phí vệ sinh từ 2.500 đến 5.000 bảng Syria (7 đến 14 USD) mỗi tháng, tùy theo diện tích của sạp hàng.
Mỗi tháng, cư dân Raqqa cũng tập kết ở các điểm thu tiền, để trả 800 bảng Syria (2,50 USD) tiền sử dụng điện và 400 bảng Syria (1,20 USD) tiền sử dụng nước.
“Sở tài nguyên” Diwan al-Rikaz của IS thì giám sát các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất - buôn lậu dầu, việc hôi đồ cổ. “Sở” này điều hành các nhà máy nước ngọt, nước đóng chai, xí nghiệp dệt may, xưởng nội thất, công ty điện thoại, xí nghiệp hóa chất, xi măng, ngói. “Sở” vét tất cả nguồn thu của các xí nghiệp này. Các doanh nghiệp nhỏ cũng phải “trích” một phần nguồn thu cho IS.
Tarek, một người Syria ở Lebanon và ủng hộ chế độ Tổng thống Syria Bashar Assads, nói: “Chúng tôi phải nộp tiền mặt hoặc dầu ô liu, tùy theo sản lượng”. Tarek giấu tên họ, vì cha mẹ anh vẫn còn sống và làm việc ở nông trại gia đình ở ngoại ô thành phố Aleppo do IS kiểm soát.
“Cán bộ thuế” IS ghét chữ “thuế” và thường dùng chữ “zakat”. Chữ này tương đương khoản "bố thí" mà tín đồ Hồi giáo được yêu cầu chi. Theo luật đạo Hồi, định mức chi "bố thí" là 2,5% tính từ sự giàu có của một người. Nhưng IS “xin” 10% với lý do “tổ quốc đang có chiến tranh”, theo một nhà báo ở Raqqa yêu cầu giấu tên thật vì lo cho tính mạng, chỉ tự nhận tên giả là Abu Mouaz.
IS cũng thu phí đăng ký sử dụng xe ô tô và buộc học sinh mua sách giáo khoa. IS còn phạt tiền người lái xe với đèn sau bị vỡ - một cách phạt hầu như không phổ biến trên hệ thống đường bộ không tuân thủ luật lệ giao thông ở Trung Đông.
Có cả những mức phạt việc vi phạm lối sống nghiêm khắc do IS đặt ra. Ví dụ cấm triệt để việc hút thuốc lá. Mohammad Hamid, 29 tuổi, nói hồi cuối tháng 8, anh bị bắt quả tang đang hút trong cửa tiệm ở Mosul: “IS không chỉ quật tôi 15 roi ở nơi công cộng, còn buộc tôi nộp phạt 50.000 dinar (tương đương 40 USD)”. Ngay sau đó, anh bỏ trốn qua một vùng đất ở Iraq do người Kurd kiểm soát.
Tái chiếm đất của IS - cách duy nhất để chặn khủng bố trấn lột dân nghèo?
Một số quan chức ước tính IS đã trấn lột khoảng 800-900 triệu USD của người dân, doanh nghiệp ở những vùng chúng kiểm soát. Nguồn thu này nhiều hơn buôn lậu dầu thô vốn chỉ giúp chúng có thêm 500 triệu USD.
IS cũng kiếm được khoảng chục triệu USD từ bắt cóc, hôi được khoảng 1 tỉ USD từ các ngân hàng - riêng tại Mosul là 675 triệu USD.
Một quan chức châu Âu giấu tên vì không được bàn về tin tình báo diện bí mật, nói với NYT rằng IS có một hệ thống tài chính tương đối phức tạp. Về ngắn hạn, các quan chức Âu - Mỹ đang chật vật chặn nguồn thu của chúng.
Không thể áp dụng cách chặn dòng tiền tài trợ từ người vùng Vịnh như đã áp dụng để chặn hoạt động của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Các quan chức cho rằng IS đưa dòng vốn có được vào hệ thống tài chính khu vực và toàn cầu, vì không có dấu hiệu lạm phát - vốn có thể là hậu quả của một nguồn dòng tiền lớn chảy vào một nền kinh tế nhỏ. Hoạt động đổi tiền ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một mối lo ngại vì có thể đấy là cách giúp IS “rửa tiền”, theo vị quan chức châu Âu.
Theo các quan chức Mỹ, về lâu dài, cách chắc ăn nhất để hạn chế khả năng tài chính của IS, chính là chiếm lại các vùng đất mà chúng đang kiểm soát. Đây là một việc rất khó làm, diễn ra rất chậm dù đã có hàng ngàn đợt không kích. Một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ đề nghị giấu tên vì không được tiết lộ các vấn đề an ninh, nói: “Cách bảo đảm duy nhất là để chặn chúng có nguồn thu chính là sử dụng vũ lực quân sự”.
Theo Bởi Một Thế Giới