Sáng 2-12, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) và Tạp chí Người làm báo phối hợp tổ chức Hội thảo “Báo chí và Mạng xã hội”.
 
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo, giảng viên và đông đảo phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí.
 
Chủ đề của hội thảo vừa mang tính lý luận, vừa có tính thực tiễn, có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động báo chí, cả trong tác nghiệp, cũng như trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ. Sau một thời gian chuẩn bị nội dung, với sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà báo, nhà quản lý báo chí và những người quan tâm đến lĩnh vực này, Ban tổ chức đã nhận được 19 tham luận gửi đến hội thảo.

PGS,TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) cho biết: Trong xu thế tương tác giữa báo chí và mạng xã hội, nhà báo cần trau dồi, nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp trong môi trường số. Bên cạnh đó, nhà báo cần phải có trách nhiệm khi đưa tin, thông tin của nhà báo phải khác với thông tin trên mạng. Nhà báo cần cung cấp những thông tin chính xác, trung thực, có kiểm chứng, đó là vai trò và trách nhiệm của nhà báo.

images1419112_2122015huyen1112640471.jpgPGS,TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo “Báo chí và Mạng xã hội”.

Tham luận của nhà báo Mai Phan Lợi, Phó tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: “Báo chí cần thể hiện và chứng tỏ năng lực dẫn dắt dư luận bằng thông tin chuẩn xác nên quy trình sản xuất tin bài và kiểm soát nội bộ cần phải được đề cao. Qua gần 6 tháng nghiên cứu, chúng tôi đã đề xuất Quy trình 8 bước và Bộ công cụ để bảo đảm chất lượng tin bài, đã thử nghiệm ở 4 cơ quan báo chí có kết quả tốt. Cần có bộ “Quy tắc ứng xử và tác nghiệp” cho nhóm cộng tác viên báo chí, "nhà báo" công dân đang hoạt động xã hội, trong đó đề cao tính pháp lý và đạo đức của những người tham gia mạng xã hội”.

Nhà báo Vũ Văn Tiến, Phó tổng Biên tập phụ trách Báo Điện tử Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam mới đây nhận định: “Nhiều tờ báo bỏ qua khâu thẩm định để đăng tải ngay thông tin từ mạng xã hội, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội”. Điều này thực sự đáng lo ngại, khi Việt Nam hiện có gần 35 triệu người sử dụng internet, trong đó có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là facebook. Mạng xã hội đang dần trở thành một “thế lực” thách thức báo chí hiện đại.

Để có một môi trường internet cũng như một xã hội văn minh, trong sạch và lành mạnh thì vai trò, sự tự ý thức của mỗi nhà báo, công dân, cá nhân là rất quan trọng, thể hiện qua những việc làm, hành động cụ thể khi tham gia mạng xã hội với lương tâm, đạo đức, trách nhiệm cao cả với đất nước,  xã hội, vì sự văn minh, tiến bộ, thịnh vượng của Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

Theo Quân đội nhân dân