Sự tức giận của quần chúng
Khác với tất cả các phong trào xuống đường trước đây tại Pháp, “Áo vàng” không phải là một phong trào chính trị hay công đoàn.
Không một đảng phái nào tại Pháp nắm được “Áo vàng”. Cũng không công đoàn nào tại Pháp, vốn nổi tiếng bởi quyền lực biểu tình, (như CGT, CFDT, FO)… thâm nhập và điều khiển được “Áo vàng”.
Những người “Áo vàng” khước từ việc chính trị hóa hay công đoàn hóa các hành động của mình.
Họ thậm chí khước từ việc lộ diện.
“Áo vàng” không có ban lãnh đạo. Không có người phát ngôn. Không có cả phương châm hành động.
“Áo vàng” không mang bất cứ gương mặt nào của một nhân tố đối thoại. Khi có bất cứ cá nhân hay một nhóm nào đứng ra tự xưng là đại diện cho “Áo vàng”, người đó và nhóm đó lập tức bị đám đông hạ bệ.
“Áo vàng” cho đến thời điểm này, thực sự là một phong trào quần chúng tự phát, dù nó đã có hơi hướng bị trà trộn và lưu manh hóa trong vài ngày qua và có thể sẽ được tổ chức chặt chẽ hơn trong vài ngày tới như một lực lượng thực sự.
Một “nước Pháp bị bỏ rơi”
Nhưng một cá nhân “Áo vàng” tiêu biểu sẽ được mô tả ra sao?
Quỹ Jean Jaures, một trong các think-tank tiêu biểu của cánh tả tại Pháp, nêu ra 3 đặc điểm nổi bật của những người “Áo vàng”: những người đói ăn cuối tháng, sống ở nông thôn hoặc trong các thành phố nhỏ.
Đó là một tập hợp của những người tạo nên một nước Pháp khác, không phải ở Paris hay Lyon, đang giận dữ vì cảm giác bị bỏ rơi, bị bủa vây bởi đói nghèo và bất công xã hội.
Khi chính phủ Pháp đưa ra chính sách tăng thuế đánh vào xăng dầu, mà mục đích là để có thêm tiền tài trợ cho chiến lược dài hơi về chuyển đổi sang các ngành năng lượng xanh, họ không ngờ rằng chỉ vài chục xen tăng lên trên mỗi lít nhiên liệu lại đủ để làm tràn cả ly nước giận dữ.
Tại các vùng nông thôn hay các thành phố nhỏ tại Pháp, ô tô là lựa chọn di chuyển gần như duy nhất, đặc biệt với những người phải chạy cả trăm km mỗi ngày từ nhà đến nơi làm việc. Thêm vài chục xen giá nhiên liệu là cuối tháng lại thêm vài chục euro phải chi. Với những người chỉ hưởng lương tối thiểu Smic (1153 euros sau thuế, và ngày càng nhiều) hay những người hưu trí chỉ trông vào vài đồng ít ỏi, đó là cả một vấn đề.
Nghiêm trọng hơn, những người này nhận ra rằng, suốt bao năm qua thuế liên tục tăng, trợ cấp xã hội cắt giảm, sức mua ngày càng kém đi và tiếng nói của họ thì ngày càng bị phớt lờ, khinh miệt. Giữa nước Pháp thành thị và nông thôn, bất công lớn nhất đang tồn tại là về “mobilité - tính lưu động”.
Sự lưu động ở đây là từ giao thông (giá nhiên liệu tăng, các tuyến đường sắt liên tỉnh bị cắt giảm) cho đến cơ hội. Từ 2018, học sinh nông thôn và thành phố nhỏ ngoại ô ngày càng khó vào các trường Đại học ở thành phố lớn vì phần mềm Parcoursup tạo ra bộ lọc gây tranh cãi về địa lý, khiến một học sinh bình thường trong thành phố đôi khi lại được ưu tiên lựa chọn hơn học sinh giỏi ở ngoại ô hay nông thôn.
Và cuối cùng, sau nhiều thập kỷ phát triển không đồng đều, sự giàu có kinh tế tích tụ về các vùng đô thị lớn quanh Paris, Lyon, Toulouse… và để lại phía sau một nước Pháp nông thôn rộng lớn về lãnh thổ nhưng trống rỗng về của cải.
Tất cả những mặc cảm, bức xúc, giận dữ… đó không phải do vị Tổng thống trẻ Emmanuel Macron tạo ra mà là tích góp bao năm qua từ các đời Tổng thống trước đó của các ông Chirac, Sarkozy, Hollande.
Chỉ có điều, thái độ cứng rắn đến ngạo mạn, thậm chí bị những người hưu trí coi là “láo xược” của ông Macron, đã khiến mọi thứ dần vượt tầm kiểm soát.
Điệp khúc “chúng tôi sẽ không từ bỏ mục tiêu” mà các ông Macron, Édouard Philippe… nhắc đi nhắc lại trong những ngày qua bị xem như là lời thách thức đầy khinh miệt với phong trào phản kháng, mà về sâu xa là xuất phát từ những bức xúc và đòi hỏi chính đáng của một lượng lớn người dân Pháp.
Để rồi hiện tại thì tất cả được dịp bùng nổ.
“Áo vàng” giờ là quy tụ của rất nhiều tầng lớp: người lao động lương thấp, hợp đồng ngắn, người về hưu bị tăng CSG (tiền đóng góp xã hội), công nhân đường sắt đang bị đe dọa sa thải, học sinh- sinh viên phản đối tăng học phí và đòi cải cách đầu vào Đại học.
Những kẻ vô lại
Nhưng nếu chỉ là tập hợp của những con người đang thực sự khó khăn trong cuộc sống và có nhu cầu được lắng nghe, “Áo vàng” đã không bạo lực đến mức đó.
Cảnh tượng tan hoang tại Paris hôm thứ Bảy, lại đến từ một vấn đề khác của nước Pháp: tội phạm. Chính xác hơn là tội phạm ngoại ô.
Những kẻ này được gọi là “casseur” – “người đập phá”.
Trong tất cả những cuộc biểu tình, xuống đường lớn tại Pháp, luôn có những nhóm “casseur” chuyên nghiệp. Mục đích duy nhất của những nhóm này, như tên gọi, là đập phá, hôi của, cướp bóc. Và để trà trộn vào đám đông, dĩ nhiên chúng cũng mặc “Áo vàng”.
Những “casseur” này, kết hợp với các nhóm cực hữu hoặc cực tả, và đôi khi cả các nhóm “black bloc” (chuyên mặt nạ đen)… là thủ phạm chính gây ra bạo lực.
Đây là những kẻ cơ hội, lưu manh, vô lại.
Khi người Pháp bức xúc, chúng tham gia đập phá. Khi người Pháp vui mừng, như trong đêm ăn mừng chức vô địch World Cup 2018, chúng cũng đập phá. Để hôi của, cướp bóc hoặc chỉ để tấn công cảnh sát làm vui.
Những “casseur” dĩ nhiên không từ trên trời rơi xuống. Đa số “casseur” là các thanh niên ngoại ô thất nghiệp, nghèo đói, luôn sẵn sàng phạm tội chỉ vì vài đồng bạc lẻ. Những kẻ ngông cuồng hơn, như chúng ta đã biết qua vụ Charlie Hebdo hay Bataclan…, thì đi làm khủng bố.
Đây, thực ra là một cơn trọng bệnh khác của nước Pháp, khi bất công xã hội, đói nghèo, xung đột văn hóa-tôn giáo khiến hình thành một thế giới khác ở các ngoại ô – thế giới của tội phạm
Khi mà ngay cả những đứa trẻ 12-13 tuổi cũng tham gia đập phá, cướp bóc, hôi của… thì chẳng có lí do hay bức xúc xã hội nào có thể biện minh.
Những kẻ vô lại này khác với những người “Áo vàng” giận dữ thực sự, nhưng giờ thì đang bị hòa chung. Đó chính là điều khiến cho “Áo vàng” có thể nhanh chóng bị chính người Pháp tẩy chay, dù trong tuần trước, tỷ lệ ủng hộ “Áo vàng” luôn có chiều hướng gia tăng.
Nhưng thực tế ở thời điểm này, khi đến Khải Hoàn môn cũng bị đập phá, thách thức lớn nhất với mọi người Pháp nói chung, từ người dân đến chính trị gia, không còn là câu chuyện giá xăng, sức mua kém hay bất công xã hội gì đó…. mà là ở việc phải chấm dứt ngay lập tức làn sóng bạo lực.
Nước Pháp không thể có một ngày thứ Bảy bạo loạn nữa, nếu không muốn tái hiện một cuộc Cách mạng mà ngay cả những người khởi phát cũng không hề có ý niệm gì về nó./.