(Baonghean) - Những năm gần đây, bệnh cận thị học đường đang có xu hướng tăng nhanh. Điều đáng báo động là trong cộng đồng có rất nhiều trẻ bị cận thị không được phát hiện hoặc phát hiện muộn để có những biện pháp điều chỉnh, điều trị kịp thời đã dẫn đến bị cận thị nặng độ hơn, khiến cho các em gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như học tập.
Tại Nghệ An, theo điều tra của Trung tâm Mắt Nghệ An, tỷ lệ cận thị ở lứa tuổi từ 6- 16 tuổi trung bình toàn tỉnh là 15%. Riêng khu vực Thành phố Vinh là 30- 40%. Mỗi ngày, Trung tâm Mắt Nghệ An khám, phát hiện khoảng 10 trẻ bị cận thị. Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng (Trung tâm Mắt Nghệ An), cho biết: "Hiện cận thị học đường đang là vấn đề báo động. Trẻ em ngày nay rất dễ mắc cận thị bởi các em xem tivi, ngồi trước máy tính quá nhiều và gần, tư thế ngồi học không đúng, ánh sáng trong phòng học không đủ. Do không được phát hiện sớm nên hầu hết khi các trẻ đến với cơ sở y tế để khám thì đã bị cận rất nặng".
Theo thống kê, tỷ lệ bị cận thị học đường và các bệnh về tật khúc xạ khác chủ yếu tập trung ở lứa tuổi học sinh tiểu học, Năm 2010, qua điều tra ở Trường tiểu học Hà Huy Tập 1, có gần 100 em bị cận thị trong tổng số 800 học sinh, trong đó có 10 em thị lực dưới 7/10 và phải đeo kính thường xuyên. Em Trần Bá Ngọc, 10 tuổi, học sinh lớp 4A Trường Hà Huy Tập 1 là một ví dụ. Em được phát hiện bị cận thị cách đây hơn 1 năm và hiện nay em phải đeo kính đến 3,5 điôp. Ở lớp cô giáo luôn phải xếp cho em ngồi bàn trước vì ngồi xa nhìn lên bảng không thấy rõ và cả khi vui chơi, em cũng cảm thấy hạn chế rất nhiều. Nguyên nhân do lúc nhỏ em xem ti vi nhiều và đọc sách lâu ở khoảng cách gần.
Cách đây khoảng 10 năm, trẻ em bắt đầu bị cận ở lứa tuổi 10 trở lên thì nay ở lứa tuổi nhỏ hơn rất nhiều, từ 6- 8 tuổi. Ở lứa tuổi này các em chưa tự nhận biết được những dấu hiệu của cận thị và cũng ít bậc cha mẹ để ý phát hiện bệnh cho con mình. Chính vì thế mà các em khi được phát hiện đã bị cận nặng. Em Trần Thị Quỳnh Trang - 8 tuổi - học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đô Lương. Đến khám ở Bệnh viện Mắt Nghệ An, em được phát hiện là bị cận đến 2 điốp. Ông Trần Đình Kỳ - ông nội cháu Trang cho biết: "Hôm trước đến thăm cháu lúc cháu ngồi học, tôi tới xem thì thấy cháu viết sai chữ số nhiều, chữ viết không thẳng hàng sai dòng kẻ. Tôi hỏi thì cháu nói mắt của cháu không thấy rõ, mỗi lúc một mờ. Tôi đề nghị bố mẹ cháu đưa cháu đi kiểm tra mắt thì mới biết cháu bị cận thị".
"Hiện nay chưa có thuốc chữa bệnh cận thị. Phương pháp điều trị là phẫu thuật nhưng là với người trên 20 tuổi, độ cận thị ổn định trong 1 năm. Vì vậy việc phòng và hạn chế cận thị là phương pháp tối ưu nhất bằng cách đảm bảo trẻ ngồi học đúng tư thế, ánh sáng trong phòng học phải đủ, trẻ không nên xem ti vi, đọc sách quá lâu". Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho biết.
Trẻ bị cận thị sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tự nhiên, có thể khiến trẻ học hành sút kém, dễ bị tai nạn trong sinh hoạt. Vì thế cần phải có sự quan tâm chăm sóc sát sao của các bậc phụ huynh, giáo viên và cả cộng đồng.
Báo động tình trạng cận thị học đường
Từ Thành