Áp lực tuổi vị thành niên
"Trầm cảm ở học sinh THPT” là dự án của hai học sinh Trần Minh Ngọc - Lê Hoàng Lâm -Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh thuộc lĩnh vực Y học chuyển dịch. Đây là một đề tài khá mới, đề cập đến thực trạng của đời sống học đường hiện nay khi tỷ lệ học sinh bị trầm cảm do áp lực về cuộc sống ngày càng nhiều, đặc biệt là những áp lực trong học tập. Trước khi thực hiện dự án, nhóm học sinh này cũng đã có một khảo sát nhỏ ở 32 học sinh thuộc các lớp 10 - 11 - 12 tại thành phố Vinh và một số địa phương lân cận. Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh có dấu hiệu và mắc bệnh trầm cảm lên tới 20% - một con số không nhỏ. Trong đó, 50% số học sinh mặc bệnh trầm cảm thỉnh thoảng và 13% học sinh thường xuyên nghĩ tới ý tưởng hoặc có hành vi tự sát hoặc tự hủy hoại cơ thể. Đặc biệt, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh trầm cảm vượt trội hẳn so với nam giới, trung bình theo tỷ lệ 2:1.
Qua quá trình thực hiện, học sinh Lê Hoàng Lâm cũng cho biết: “Trầm cảm ở học sinh là một điều hoàn toàn có thật và bản thân em cùng từng rơi vào hoàn cảnh đó mỗi khi chuẩn bị đến kỳ thi hoặc quá lo lắng về kết quả học tập. Điều đáng lo ngại đó là dù trầm cảm đang ngày càng nhiều nhưng hiện nay vấn đề này chưa được quan tâm trong các nhà trường. Khảo sát cho thấy, hiện nay số lượng giáo viên có mức độ quan tâm và kiến thức về căn bản còn hạn chế. Trong đó, có 54% thầy cô (trong 40 thầy cô khảo sát) có nhận định, hiểu biết sai về căn nguyên, biểu hiện và phương pháp điều trị của trầm cảm”.
Là Trưởng Khoa Nhi lão niên và nhiều năm điều trị cho đối tượng thanh thiếu niên, bác sỹ Phan Bá Thủy - Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết: “Qua thực tế điều trị cũng cho thấy, thanh thiếu niên bị trầm cảm bởi phải chịu nhiều áp lực như trong gia đình bố mẹ ly hôn, mất bố mẹ hoặc thường xuyên mâu thuẫn. Gần đây, tỷ lệ trầm cảm nhiều hơn với những trường hợp bị áp lực ở nhà trường như học tập, bạn bè và các mâu thuẫn khác... Một nghiên cứu cũng cho thấy, 97,1% thanh thiếu niên trầm cảm bị ảnh hưởng nặng nề về kết quả học tập”.
Tuổi vị thành niên, thần kinh các em chưa ổn định và dễ thay đổi tâm sinh lý, nhất là khi chịu áp lực về học tập và công việc. Để xác định được dấu hiệu này cũng không quá khó, như nhẹ thì chán ăn, mỏi mệt, không thích thú trong học tập. Nặng hơn thì thiếu khả năng kiểm soát về cảm xúc, ngại giao tiếp, bỏ học, thậm chí có ý tưởng tự sát.
Căn bệnh của xã hội hiện đại
Trong những năm qua, tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh trầm cảm lên đến hơn 30% và đáng lo ngại khi số lượng bệnh nhân bị tái diễn ngày càng nhiều. Đối tượng bệnh nhân bị trầm cảm khá đa dạng nhưng chiếm một số lượng không nhỏ là đối tượng học sinh, sinh viên hoặc những người trí thức đang làm việc ở các công sở.
Ở Khoa Phục hồi chức năng, bệnh nhân Trần Thị N - nguyên nhân viên văn phòng ở một trường học trên địa bàn huyện Yên Thành là một bệnh nhân khá quen thuộc của khoa khi ít nhất chị đã nhập viện 6 lần với cùng một biểu hiện là rối loạn lo âu. Lần nhập viện mới nhất vào đầu tháng 2, chị có biểu hiện khá nặng khi mất ngủ liên tục nhiều ngày, mệt mỏi, kém tập trung. Bên cạnh đó, còn có biểu hiện hoang tưởng, sợ người khác làm hại và khi được điều trị có biểu hiện chống đối, không chịu uống thuốc vì sợ bị đầu độc.
Trước đó, bệnh nhân này mắc bệnh khi còn khá trẻ - khoảng 30 tuổi và bệnh xuất hiện sau khi sinh con thứ 2. Quá trình điều trị, bệnh nhân đã thuyên giảm khá nhiều nhưng sau đó do không được gia đình quan tâm thường xuyên, chồng công tác xa nhà, con còn nhỏ và bệnh nhân thường xuyên bỏ thuốc, không tuân thủ phác đồ điều trị nên bệnh ngày càng nặng và lần nhập viện sau thường nặng hơn lần trước.
Một trường hợp khác cũng mới nhập viện là chị Trần Thị T - Quế Phong (32 tuổi). Bản thân chị, cho đến thời điểm nhập viện vẫn nhận thức được hành động của mình nhưng qua trò chuyện chị cũng chia sẻ: “Dấu hiệu đầu tiên của tôi là mất ngủ triền miên, khi nằm xuống thấy mệt mỏi, lo âu và trong người khi nào cũng như có lửa đốt, không ăn, không uống được”. Người nhà của bệnh nhân cũng cho biết: Chị T làm giao dịch bán hàng ở Lào và trước đây khá khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Tuy nhiên, từ khi biết chồng ngoại tình chị trở nên hay suy nghĩ, lo lắng và từ đó xuất hiện bệnh trầm cảm. Hơn nửa năm nay, do bệnh tái diễn nặng chị buộc phải nghỉ việc và về Việt Nam điều trị. Bệnh nhân này cũng đã đến rất nhiều bệnh viện, chữa cả Đông y và Tây y nhưng chưa hiệu quả.
Là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân, bác sỹ Vy Thị Hải - Khoa Phục hồi chức năng cũng cho biết: “Hầu hết bệnh nhân phải điều trị nội trú chúng tôi đều là những bệnh nhân nặng và đã tái diễn nhiều lần. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều trị vì bệnh trầm cảm muốn điều trị hiệu quả phải kiên trì, tuân thủ phác đồ điều trị, có tư tưởng lành mạnh và phải nhận được sự quan tâm, thường xuyên của gia đình”.
Trầm cảm được xem như một căn bệnh của xã hội hiện đại và đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Đây cũng là căn bệnh diễn ra khá âm thầm, khó nhận biết nhưng lại gây ra những hậu quả nặng nề cho bản thân người bệnh và cả những người xung quanh. Đáng lo ngại, những người bị bệnh này thường có tình trạng che dấu hoặc ngại đến bệnh viện vì lo sợ nhiều người dị nghị. Chính vì thế, đến khi điều trị thì bệnh đã biểu hiện khá phức tạp và khó điều trị nếu không kiên trì.
Trầm cảm là bệnh lí tâm thần phổ biến nhưng trong cộng đồng hiện nay còn chưa nhận thức đầy đủ về trầm cảm. Trong số những người bị trầm cảm thì có đến 60% không được chẩn đoán, 25% không đến khám chuyên khoa Tâm thần. Ngoài ra, 30 - 50% các trường hợp trầm cảm không được chăm sóc y tế. Hiện chỉ dưới 40% có tiền sử trầm cảm được điều trị và dưới 20% được điều trị trong vòng 12 tháng trước đó. Bệnh nhân trầm cảm xuất hiện nhiều nhất ở độ tuổi từ từ 25 - 40 tuổi, độ tuổi mà nhiều người chịu áp lực về học tập, lao động, công việc và gia đình...
Trước đó, trầm cảm chỉ xuất hiện ở những nhóm trầm cảm điển hình với các biểu hiện như rối loạn phân liệt cảm xúc và xuất hiện với một số đối tượng nhất định (bị tâm thần phân liệt hoặc bị các bệnh nan y). Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Cảnh Hùng người bị bệnh này xuất hiện ngày càng nhiều theo xu hướng phát triển của xã hội và điều đó khiến cho cơ cấu bệnh tật thay đổi theo. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho tỷ lệ bệnh nhân tái bệnh rất nhiều (trên 60%) và khoảng 15% bệnh nhân trầm cảm có hướng tự sát và nếu tự sát thì thường thành công vì bệnh nhân chủ động (do bi quan, tiêu cực hoặc có suy nghĩ loạn thần, hoang tưởng)...
Hiện, bệnh nhân bị trầm cảm xu hướng hiện nay là do sang chấn tâm lý khá nhiều, vì thế theo khuyến cáo của các bác sỹ để phòng tránh bệnh này thì mỗi người phải xây dựng cuộc sống thoải mái, rèn luyện nhân cách mạnh mẽ để có thể đối diện với những tác động về môi trường. Ngoài ra, phải xây dựng các mối quan hệ trong gia đình, công việc tốt đẹp và phải xác định hướng phấn đấu hợp lý, theo đúng hoàn cảnh và khả năng của bản thân, tránh áp lực và tiêu cực cho bệnh nhân. Đặc biệt, khi có dấu hiệu bệnh thì phải sớm đến các cơ sở y tế để điều trị và tuân thủ các phác đồ mà bác sỹ đề ra để tránh bệnh bị tái diễn.