(Baonghean) - Khoản 3 - Điều 58 - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đề cập "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật, trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội".

Đây là vấn đề đang làm nóng dư luận trong việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, đòi lại đất cũ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, khu tái định cư, cả khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế địa phương đền bù không thoả đáng cho người sử dụng đất, dẫn đến các vụ kiện kéo dài, khó giải quyết.

Câu chuyện khiếu kiện đất đai diễn ra lâu nay có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản là do cơ chế chính sách chưa đầy đủ, kịp thời, một số trường hợp chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân khi bị thu hồi đất; quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo đất đai có nơi chưa dứt điểm rõ ràng nên người dân không đồng tình; một số ít công dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về đất đai, nên dù đã được nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết nhiều lần, giải quyết đúng pháp luật nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại.

Vì vậy, Khoản 3 - Điều 48 - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 phải khẳng định rõ: "Nhà nước chỉ có quyền thu hồi đất của tổ chức, cá nhân sử dụng đất có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia hoặc vì lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội; Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường cá nhân, tổ chức theo giá thị trường; thể thức trưng mua, trưng dụng do pháp luật quy định, tối thiểu phải bảo đảm ổn định đời sống nhân dân về lâu dài và không thấp hơn trước khi bị thu hồi đất". Đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa chủ đầu tư và người dân trong các dự án, nhà đầu tư và người dân là những chủ thể bình đẳng trước pháp luật, lợi ích chính đáng của họ đều phải được tôn trọng, bảo vệ như nhau; nhà đầu tư có thể xây dựng các khu nhà ở, trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ... nhưng phải trong khuôn khổ sự vận động bình thường của cuộc sống dân sự, chứ không phải dựa vào sức mạnh để khiến người khác phải ra khỏi không gian sống được cho là của mình. Nếu Nhà nước thu hồi đất của người dân để cho chủ đầu tư sử dụng, thì phải bảo đảm sự công bằng của cả hai bên (có sự thoả thuận về dân sự), không được dùng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp này.

Thiết nghĩ, các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong thực tế thường xuyên thay đổi, dẫn tới tình trạng người dân có đất so bì, khiếu nại ở dự án thu hồi đất qua nhiều năm; phương án giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất chưa được chuẩn bị kỹ, quan tâm đúng mức. Do đó, để đảm bảo về quyền lợi của người có đất bị thu hồi cần phải đưa vào Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi một số nguyên tắc khi thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng...; nguyên tắc Nhà nước bảo đảm quyền của người sử dụng đất, để người dân yên tâm khai thác sử dụng đất một cách có hiệu quả; quy định trách nhiệm đăng ký đất đai của tất cả những người sử dụng đất vào Hiến pháp và Pháp luật đất đai sẽ góp phần giải quyết thấu lý, đạt tình vấn đề khiếu nại về đất đai bảo đảm vừa đúng luật và hợp lòng dân.


Hoàng Tùng (Bộ CHQS Nghệ An)