Hình thức đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học sẽ đổi thành đào tạo tập trung và không tập trung chứ không còn là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên như trước đây.
Hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại trên cơ sở cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra của 2 hình thức đào tạo.
Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý trong quy định về hình thức đào tạo cũng như văn bằng của giáo dục đại học được đưa ra trong dự thảo Luật GD ĐH sửa đổi đang được Bộ GD-ĐT công bố lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 6 quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học quy định, các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định điều kiện thực hiện các hình thức đào tạo.
Trong khi đó, theo Luật Giáo dục Đại học hiện hành, các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được chia theo hai hình thức là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
Tại Điều 38, quy định về văn bằng giáo dục đại học, dự thảo mới bổ sung quy định: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thống nhất các nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục kèm theo".
Trong Luật Giáo dục Đại học hiện hành chỉ quy định: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu văn bằng giáo dục đại học".
Trao đổi với báo chí chiều 24/11, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho hay, việc phân biệt hình thức đào tạo thành đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên tạo cảm giác "ngay trong hình thức đào tạo đã tuyên bố các hạng chất lượng khác nhau rồi".
Vì vậy, dự thảo mới đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung nhằm nói đến hình thức đào tạo như thế nào, đối tượng nào thì đào tạo theo hình thức tập trung, đối tượng nào thì đạo tạo theo hình thức không tập trung.
Theo đó, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung. Tuy nhiên, tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn.
Bên cạnh đó, theo bà Phụng, hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi trên văn bằng nữa.
"Chúng tôi kỳ vọng các cơ sở sở đào tạo khi quan tâm chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì phải cẩn thận khi cấp văn bằng. Tất cả văn bằng khi cấp ra thì phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy nữa. Đây sẽ là lời khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo của trường" - bà Phụng nói.
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 19 năm 2015, hình thức đào tạo (chính quy, thường xuyên) là một trong những nội dung được ghi trên văn bằng của các cơ sở giáo dục đại học.
Trước những lo ngại liên quan tới những tiêu cực có thể phát sinh khi văn bằng không còn phân biệt các hình thức đào tạo chính quy và tại chức như trước, bà Phụng cho rằng, một khi phát sinh tiêu cực thì trước hết sinh viên sẽ không đồng ý và đấu tranh vì bằng của họ bị lẫn lộn với bằng không đảm bảo chất lượng khác.
"Về phía quản lý nhà nước chỉ làm kiểm định chất lượng. Sắp tới kiểm định chương trình đào tạo sẽ được sẽ được đẩy mạnh. Kiểm định chương trình sẽ gắn với kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo từng chương trình và cấp bằng cho chương trình đó" - bà Phụng cho hay.
Bỏ quy định không chia lợi tức trong các trường tư thục Trong dự thảo mới cũng đã bỏ quy định các cổ đông hoặc thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ quy định tại khoản 7, Điều 4 của Luật Giáo dục Đại học hiện hành. Cụ thể, trong dự thảo mới, tại khoản giải thích về cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận, nội dung quy định chỉ được định nghĩa là: Cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học. |
Theo VNN